1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kon Tum

Lùng mua cau non để bán cho thương lái Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều ngày nay, liên tiếp các tốp thương lái trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường kéo lên các xã biên giới huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) để lùng sục mua cau non. Thấy giá cao nhiều thương lái còn vượt hàng trăm cây số để tìm nguồn hàng xuất bán sang Trung Quốc.

Khi chúng tôi có mặt tại đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận giáp ranh huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đã bắt gặp một “phi đội” 6 người đang đi lùng mua cau. Những người này đi xe máy, trên xe chở đầy ắp cau. Đáng chú ý, các thương lai thu mua đa phần là cau còn non.

Bắt chuyện với người tên L., (trú tại xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), người này cho biết, anh vừa cùng nhóm của mình mới vào vùng xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) mua cau về. Trong ngày anh mua được 30 kg cau tươi. Giá thu mua tùy loại, nhưng ấn định từ 18.000 đến 24.000 đồng/kg.

02

Thương lái chạy hàng trăm km đi mua cau non để bán sang Trung Quốc

“Chúng tôi đi mua khắp nơi. Mới đầu cau nhiều thì thu mua trong địa phận tỉnh Gia Lai. Sau “khát hàng” nên phải chịu cực chạy hàng trăm km lên khu vực Bờ Y để mua. Cứ sáng đi, chiều mua xong thì chạy về. Gom xong 3 ngày rồi đóng gửi nhập về Đà Nẵng rồi xuất sang Trung Quốc. Tôi chả biết họ mua làm gì, chỉ thấy họ mua giá cao thì tôi đi thu gom về bán lại thôi”, ông L. bật mí.

Ngay cả những người dân khi thấy cau mua giá cao thì họ bán hết. Đến nhà ông Tập (xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi) hỏi mua cau, ông lắc đầu: “Bán gần hết rồi chứ còn đâu”. Theo ông Tập, vừa rồi gia đình ông bán hơn 1 tạ cau với giá 20.000 đồng/kg. Vườn cau của ông cứ “nườm nượp” nhiều tốp đến hỏi, có tốp đánh cả xe ô tô đi mua.

Họ đến nhà ông lân la năn nỉ gạ bán. Khi ông gật đầu là họ trèo lên cây hái tuốt tuồn tuột. Nhiều buồng cau non, thương lái cũng hái sạch. Ông Tập thắc mắc sao lại hái cả cau non nhưng thương lái bảo loại nào cũng mua. Thậm chí thương lái còn cậy nhờ gia đình ông Tập chỉ thêm chỗ bán cau cho họ đến mua.

01

Đến cả cau đang non, các thương lái cũng giành nhau

Trong khi đó, nhiều hộ dân khác khi được hỏi thì cho biết, cũng bắt gặp nhiều tốp đến mua cau. Giá được các thương lái chào mời cao nhất 25.000 đồng/kg. Người dân xưa nay chỉ biết cau được dùng cho các lễ cưới hỏi hoặc người lớn ăn. Tuy nhiên loại cau được chọn là cau già. Nhưng nay, các thương lái “càn quét” mua cả già lẫn non khiến họ rất nghi ngờ. Cũng vì thấy thu mua cau giá cao nên nhiều người dân cũng có ý định chuyển đổi sang trồng cau.

Ông Tống Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, chưa nghe thông tin thương lái các nơi đến địa phương thu mua cau non. “Xã không có hướng phát triển cây cau. Tôi sẽ theo dõi vụ việc và khuyến cáo dân không vì thấy người ta lùng mua cau giá cao mà ồ ạt chuyển sang trồng cau”, ông Đồng nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đã có một giai đoạn cũng xảy ra tình trạng lùng mua cau non rồi lắng xuống. Bản thân ông cũng không rõ cau non có tác dụng gì đặc biệt mà người ta lùng mua giá cao. Ngay cả nhà ông ở Đắk Lắk có mấy buồng cau và có người cũng mò đến mua.

“Chặt cây để chuyển đổi trồng cau là nguy hiểm vì mặt hàng này khá bấp bênh, đầu ra phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì thế cần khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ồ ạt sang trồng cau”, Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm