“Lùm xùm” BOT Nội Bài - Vĩnh Yên: Tính khả năng tranh chấp pháp lý với nhà đầu tư
(Dân trí) - Theo Bộ Gộ Giao thông Vận tải, việc quyết toán dự án BOT Nội Bài - Vĩnh Yên để điều chỉnh hợp đồng đến nay chưa thể hoàn thành và có khả năng sẽ xảy ra tranh chấp pháp lý với nhà đầu tư...
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Thủ tướng liên quan tới việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án BOT cải tạo, nâng cao đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên.
Dự án BOT Nội Bài - Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 3) là 772,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động của nhà đầu tư BOT là 496,7 tỷ đồng, vốn NSNN tham gia là 276 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP BOT Quốc lộ 2, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 13 năm 7 tháng.
Dự án đã được khởi công từ tháng 12/2007, bắt đầu thu phí từ 15/8/2008, hoàn thành toàn bộ dự án vào háng 8/2013. Như vậy thời gian thu phí đến nay đã xấp xỉ 10 năm.
Theo Bộ GTVT, quá trình quyết toán dự án đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung giảm trừ phí phí tạo lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công; chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác và xử lý số vốn NSNN cấp vượt, cấp trái chủ trương góp vốn của Chính phủ.
Theo đó, nhà đầu tư không thống nhất với việc chấp hành những nội dung kiến nghị trên của Kiểm toán Nhà nước. Do vậy, theo Bộ GTVT, việc quyết toán dự án để điều chỉnh hợp đồng dự án đến nay chưa thể hoàn thành và có khả năng sẽ xảy ra tranh chấp pháp lý với nhà đầu tư.
Trong số này, cách tính chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công. Theo Bộ GTVT, đây là vướng mắc chung đối với các dự án thực hiện hợp đồng BOT thực hiện trước năm 2011.
Để tháo gỡ vướng mắc này, trước đó Bộ GTVT cho biết đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý chung cho các dự án.
3 phương án xử lý
Đề cập tới nội dung xử lý số vốn ngân sách cấp 63,5 tỷ đồng trái chủ trương góp vốn và hoàn thu phí hoàn vốn sau khi dự án được bàn giao cho Bộ GTVT tại văn bản số 6885 của Văn phòng Chính phủ, Bộ cho biết số vốn này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cấp vốn.
Sau đó, Bộ GTVT thực hiện giải ngân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Trong phương án tài chính của Hợp đồng BOT chỉ tính thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư tư, phần vốn ngân sách nhà nước góp vào dự án sẽ được thu hồi sau khi nhà đầu tư bàn giao công trình dự án cho Bộ GTVT quản lý.
Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT hiện nay không có cơ quan, đơn vị trực thuộc có chức năng thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ cho rằng cần thiết phải hình thành thêm tổ chức mới và hoạt động trong ngắn hạn là không phù hợp. Do vậy để xử lý thu hồi số vốn này, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án sau:
Phương án 1: Tiếp tục giao cho nhà đầu tư thực hiện thu phí để hoàn phần vốn ngân sách nhà nước góp vào dự án. Phương án này chỉ thực hiện được khi Thủ tướng chấp thuận cho phép thực hiện theo cơ chế thu, nộp ngân sách do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn riêng cho dự án này.
Phương án 2: Nhượng quyền thu phí cho nhà đầu tư khác thông qua đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Thực hiện phương án này, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư mới để nhượng quyền thu phí, cơ chế thu, nộp vào NSNN sẽ do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn riêng cho dự án này.
Phương án thứ 3: Thủ tướng cho phép chuyển phần vốn NSNN góp vào dự án theo chủ trương góp vốn tại văn bản số 6885 của Văn phòng Chính phủ thành vốn NSNN hỗ trợ thực hiện dự án và không thực hiện thu hồi phần vốn này. Trường hợp này, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình dự án cho Bộ GTVT quản lý ngay sau khi hết thời hạn thu phí tạo lợi nhuận.
Theo kết quả tính toán sơ bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay dự án đang trong giai đoạn thu phí tạo lợi nhuận. Tổng cục cũng đang đàm phán với nhà đầu tư để chuẩn bị chuyển giao công trình dự án, chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Để có đủ cơ sở pháp lý khi đàm phán với nhà đầu tư, cấp nhật tính toán lại phương án tài chính, xác định chính xác thời điểm dừng thu phí, điều chỉnh hợp đồng dự án phù hợp với điều kiện hợp đồng đã ký, tránh tranh chấp pháp lý. Đồng thời để có thể sớm dừng thu phí trên tuyến quốc lộ hiện hữu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng 2 vấn đề.
Một là chấp thuận cho phép tiếp tục thực hiện các điều khoản liên quan đến chi phí tạo lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công, chi phí bảo tồn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác đã quy định tại các hợp đồng BOT đường bộ đã ký kết trước năm 2011.
Hai là chấp thuận cho phép chuyển phần vốn ngân sách góp vào dự án theo chủ trương góp vốn tại văn bản số 6885 của Văn phòng Chính phủ thành vốn NSNN hỗ trợ thực hiện dự án và không thực hiện thu hồi phần vốn này.
Bộ cũng kiến nghị giao Bộ thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư dự án; cập nhật điều chỉnh phương án tài chính, đàm phán với nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn, thời điểm dừng thu phí và chuyển giao công trình dự án.
Liên quan đến dự án này, theo phản ánh của báo chí trước đó, Tổng cục Đường bộ cho rằng doanh nghiệp đã thu phí hoàn đủ vốn, thu lợi nhuận vượt vốn đầu tư ban đầu. Còn nhà đầu tư dự án BOT thì khẳng định chưa hoàn đủ vốn, chưa hết thời gian thu tạo lợi nhuận theo hợp đồng nên đề nghị tiếp tục sửa chữa đường và thu phí.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ GGTVT tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án trên từ ngày 15/5/2018 bởi lưu lượng xe tăng cao dẫn đến số thu thực tế tăng cao hơn so với hợp đồng đã ký.
Trong khi đó đại diện Công ty CP BOT QL2 nói những tính toán đã nêu trên từ cơ quan quản lý nhà nước là số liệu đơn phương, còn theo số liệu của công ty tính và trình Tổng cục Đường bộ thì tới năm 2021 mới hết thời gian thu phí, công ty đã có những báo cáo, trình lại số liệu khác.
Nguyễn Khánh