“Lực hấp dẫn” từ thị trường bán lẻ hàng điện tử - công nghệ thông tin

Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 20 %/năm, thị trường bán lẻ hàng điện tử - công nghệ thông tin Việt Nam đang trở thành miếng bánh béo bở hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.

Liên tục tăng trưởng trên 20%

Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, doanh số thị trường điện tử - công nghệ thông tin Việt Nam năm 2014 đạt hơn 116.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Đây là năm thứ 2 liên tiếp thị trường này đạt mức tăng trưởng trên 20%. Điện thoại di động là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng lớn nhất, đạt mức 30%/năm. Trong năm 2014, người Việt đã chi ra gần 50.000 tỷ đồng để mua điện thoại, tương đương 43% tổng chi tiêu cho các sản phẩm điện tử - điện máy. Ba ngành hàng khác có doanh số gần 1 tỷ USD, gồm TV, điện lạnh, sản phẩm công nghệ thông tin (laptop, tablet, máy tính) duy trì mức tăng trưởng từ 14-18%.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường là bàn đạp thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bán lẻ hàng điện tử - công nghệ thông tin cũng cho thấy những kết quả ấn tượng. Sau 2 năm đầu tư và chịu lỗ, năm 2014 Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đã lần đầu tiên có lãi với lợi nhuận trước thuế đạt 41 tỷ đồng, vượt 71% so với dự tính ban đầu (năm 2013: lỗ 32 tỷ đồng). Năm 2015, FRT đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần (đạt 122 tỷ đồng). Thế giới Di động tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận đạt trên 60%.  Công ty này dự kiến kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 23.590 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng trưởng 50% so với thực hiện năm 2014; lợi nhuận sau thuế tăng 31%. Cũng trong năm 2014, Trần Anh tăng 29% về doanh thu và đặt mục tiêu nâng con số này lên 35% trong năm 2015…

(ảnh minh hoạ).
(ảnh minh hoạ).

Với tốc độ tăng trưởng trên, thị trường điện tử tiếp tục trở thành miếng bánh béo bở hút hồn nhiều ông lớn. Đầu năm 2015, Vincom đã chính thức tham gia sân chơi khi cho ra mắt chuỗi siêu thị điện máy với 2 mô hình VinPro và VinPro+. Mục tiêu của hướng đến của VinPro trong 2015 là kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng trên toàn quốc với 25 Trung tâm Công nghệ - Điện máy VinPro và 100 cửa hàng Công nghệ VinPro+.  

Kỳ vọng M&A

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Bên cạnh những yếu tố nội tại, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin Việt Nam trong thời gian tới được nhận định sẽ tăng lên do kỳ vọng có nhiều thương vụ M&A. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là trong phân khúc ngành hàng điện tử - công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO, bắt đầu từ 1/2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Các chuyên gia nhận định, điều này sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn nữa các nhà bán lẻ nước ngoài, cũng như nhà đầu tư khác tham gia thị trường này và M&A được coi là con đường ngắn nhất.

Tháng 2/2015, Tập đoàn Central Group đã công bố mua lại 49% cổ phần tại Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim. Đây được coi như phát súng mở màn cho làn sóng M&A trong lĩnh vực bán lẻ ngành hàng điện tử - công nghệ thông tin năm 2015. Ngay sau khi bán cổ phần, Nguyễn Kim đã đưa ra kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị điện máy từ 21 siêu thị hiện nay lên 50 siêu thị vào năm 2019. Trước Nguyễn Kim, thương hiệu bán lẻ phía Bắc là Trần Anh cũng đã bán hơn 20% cổ phần cho đại gia bán lẻ điện máy Nhật Bản là Nojima. Năm 2015, tỷ lệ sở hữu của Nojima tại Trần Anh đã được nâng lên hơn 30% sau khi mua thêm 3,7 triệu cổ phần từ Aureos Capital, tương đương 20% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 30%. Trước đó, ông lớn bán lẻ khác là Thế Giới Di Động cũng đã thu hút được hai nhà đầu tư ngoại là Quỹ Mekong Capital và Công ty CDH Electric Bee Limited.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, lãnh đạo FPT cũng tiết lộ đang cân nhắc việc giảm tỷ lệ sở hữu tại hai công ty con là Công ty TNHH Thương mại FPT (FTG) và Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT). Việc bán bớt cổ phần tại hai công ty này vào thời điểm đang hoạt động tốt được các nhà lãnh đạo của FPT cho rằng, sẽ “có lợi cho cổ đông”. Theo các chuyên gia tài chính, đây là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư muốn nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua M&A bởi FPT là một thương hiệu có tiếng, bên cạnh đó tình hình kinh doanh tại 2 công ty FTG và FRT đang rất sáng sủa (liên tục đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số). Việc mua được những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam sẽ giúp các chủ đầu tư tiết kiệm được thời gian, có thể tham gia vào quản lý một đơn vị đang hoạt động ổn định và tận dụng được hình ảnh đã quen thuộc trên thị trường.

Với sự có mặt của các nhà đầu tư mới trong tương lai, chắc chắn bức tranh thị trường bán lẻ hàng điện tử - công nghệ thông tin Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.

PV

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”