Luật sư Anh: Bán vốn Nhà nước tại Việt Nam "chỉ ở trên giấy" vì quá nhiều thủ tục

(Dân trí) - Đưa ra hàng loạt quy trình trúc trắc, mất thời gian và hàng loạt ví dụ điển hình về cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam, Luật sư người Anh, ông Tony Foster đã lý giải vì sao bán vốn Nhà nước được xem là "chỉ diễn ra trên giấy" khi 96% DN được cổ phần nhưng chỉ 8% số vốn Nhà nước được bán ra.

Tại Hội nghị về Cổ phần hóa DNNN do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây, ông Tony Foster, Luật sư điều hành công ty luật Freshfields (Anh) - nhà tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia vào quá trình cổ phần hóa (CPH) của DNNN ở Việt Nam, chỉ ra các giao dịch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đang gặp khó khăn.


Quy trình cổ phần hóa được Luật sư Tony Foster hóa mất ít nhất 22 tháng để bán lượng vốn nhỏ Nhà nước tại các DNNN

Quy trình cổ phần hóa được Luật sư Tony Foster hóa mất ít nhất 22 tháng để bán lượng vốn nhỏ Nhà nước tại các DNNN

Minh chứng của ông Tony chỉ ra trong rất nhiều vụ cổ phần hóa các DN, tập đoàn lớn nhà nước của Việt Nam trong thời gian qua. Ví như tại Tổng công ty MobiFone - kế hoạch CPH được đưa ra lần đầu tiên năm 2005, nhưng đến nay, sau 12 năm vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào.

Hay Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) năm 2012 bán tối đa 25% cổ phiếu ra công chúng, trong đó bao gồm 20% bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng trì hoãn từ đó cho đến nay. Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) được thành lập năm 2012, dự kiến chuyển nhượng vốn Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược nhưng đến nay vẫn không nhúc nhích.

Tương tự các trường hợp CPH tiếp tục bị trì hoãn ở Tổng công ty Hàng Không Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Ông Tony Foster, cho rằng có các nguyên nhân như vướng mắc thỏa thuận giá bán, tỷ lệ chào bán nhỏ, tài sản và các quyền không rõ ràng, quy trình không minh bạch.

Về thỏa thuận giá bán, ông Tony đánh giá đây là trở ngại lớn nhất trong các giao dịch thoái vốn nhà nước, như trường hợp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Viecombank), bán cổ phần lần đầu và lần 2 đều không thành công vì lý do không thỏa thuận được giá bán. Theo đó, mất 5 năm chờ đợi, đến cuối năm 2011, ngân hàng này mới bán thành công đợt 1 với mức 15% cổ phần.

Luật sư người Anh đã dẫn bất cập ngay từ chính sách Nhà nước khiến cho cổ phần hóa đang diễn ra một cách trầy trật. "Tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN có quy định: Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày giao dịch. Quy định này đã dẫn đến rất nhiều khó khăn trong các giao dịch bán cổ phần chiến lược gần đây của Vietcombank (vòng 2), Vinamilk, ACV", ông Tony nói.

Bên cạnh đó, ông Tony Foster dẫn ra hàng loạt quy trình thủ tục để bán vốn Nhà nước tại DN dù lượng bán ra rất ít: Đầu tiên là quyết định cổ phần hoá, sắp xếp và kiểm toán nội bộ, lựa chọn Công ty định giá. Giai đoạn 2 là khóa sổ để định giá tài sản doanh nghiệp, tiến hành định giá, đến lượt kiểm toán viên Nhà nước xem xét, công bố giá trị, phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa bước sau là IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Quá trình này mất 18 tháng trừ khi Thủ tướng đồng ý gia hạn.

Nếu hoàn thành quá trình IPO, DN sẽ mất 3 tháng để làm các thủ tục như: đăng ký kinh doanh lần đầu (đại hội cổ đông); quyết toán tài chính và bàn giao và niêm yết trên sàn UpCom. Như vậy, theo ông Tony Foster, mất hơn 22 tháng (gần 2 năm) để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục bán cổ phần, cho dù lượng bán ra này chỉ khá ít.

Ông Tony cho rằng: Để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các DN CPH hay thoái vốn nhà nước. Điều này sẽ mang đến những chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho chính phủ. Đồng thời, các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN CPH hay thoái vốn nhà nước.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm