Luật Cạnh tranh trước giờ "G"!

Bắt đầu từ tháng 7, Luật Cạnh tranh chính thức có hiệu lực và được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Bộ Thương mại cũng đang dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật này.

Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm là làm thế nào để đạo luật này thực sự đi vào cuộc sống, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính sách liên quan đến cạnh tranh ở Việt Nam còn nhiều thay đổi.

Theo ông Nguyễn Khoa Sơn, Giám đốc Công ty Thương mại Thành Công, mặc dù Luật Cạnh tranh đã đề cập đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng cần phải có tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa hành vi cạnh tranh lành mạnh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh quy định “hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực về đạo đức kinh doanh hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Đây chỉ là những quy định mang tính nguyên tắc và định tính, chưa phân định rõ đâu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Một vấn đề khác là thị phần doanh nghiệp (bao gồm cả thị phần hàng hoá, dịch vụ và thị phần kết hợp) sẽ được xác định như thế nào và thẩm định sự chính xác của chỉ tiêu này trên cơ sở khoa học nào. Điều này cũng chưa được làm rõ trong luật.

Trên thực tế, thị phần doanh nghiệp là một trong những cơ sở để xác định các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, xác định các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm và là căn cứ quan trọng để được hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế.

Luật sư Nguyễn Khắc Hải cho rằng Luật Cạnh tranh sắp có hiệu lực, nhưng việc xử lý thế nào đối với các hành vi lạm dụng độc quyền của các doanh nghiệp độc quyền vẫn còn là một câu hỏi. Ở nước ta, các doanh nghiệp độc quyền trong kinh doanh và tình trạng cửa quyền vẫn phát sinh. Chẳng hạn, biểu giá điện mới do Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra cuối năm 2004 và mạng di động của VinaPhone bị nghẽn mạch trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua có phải là hành vi cần được xử lý theo Luật Cạnh tranh không, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đến đâu và Hội đồng cạnh tranh có đủ quyền hạn để xử lý không?

Trước những bức xúc trên, Bộ Thương mại đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh. Trong Dự thảo này, Bộ Thương mại dự kiến xây dựng một chương về kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, bao gồm thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế. Ba vấn đề này cũng được Ban soạn thảo làm rõ để giúp các doanh nghiệp có thể phân biệt được giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh và cạnh tranh lành mạnh.

Đơn cử như đối với các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, theo quan điểm của Ban soạn thảo, dự kiến sẽ bao gồm các hành vi sau: Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp; thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ và nguồn cung cấp hàng hoá dịch vụ; thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất; thoả thuận áp đặt cho các doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá và dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng hợp đồng; thoả thuận ngăn cản kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

Theo Dự thảo, những hình thức như các doanh nghiệp thoả thuận áp dụng thống nhất mức giá với một số khách hàng; thoả thuận loại khỏi thị trường hàng hoá được chào bán ở mức giá thấp nhằm hạn chế nguồn cung và giữ giá cao; hay việc các doanh nghiệp thoả thuận kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hoá ở mức đủ tạo sự khan hiếm trên thị trường đều được xem là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Việc xác định thị phần sẽ không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân và được căn cứ trên doanh số đối với một loại hàng hoá dịch vụ. Cơ sở để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý cạnh tranh căn cứ vào 4 chỉ tiêu: năng lực tài chính, năng lực công nghệ, quyền sở hữu và quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, và quy mô mạng lưới phân phối.

Dự thảo lần này quy định rõ trình tự tố tụng cạnh tranh cũng như phân cấp rõ cơ quan xét xử các hành vi thuộc sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Theo Đầu tư