Lột tài sản đại gia để cấn nợ

Khó khăn, cạn tiền, nợ xấu ngập đầu... khiến các doanh nghiệp (DN), ngân hàng buộc phải lựa chọn những chiêu “bất đắc dĩ” để có thể lột túi, đòi tiền con nợ vốn cũng đang chìm ngập trong bùn lầy.

Đòi bằng mọi cách, thu mọi thứ

 

Tại Nghị quyết Hội đồng Quản trị ngày 9/12/2013, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID) công bố DN sẽ nhận chuyển nhượng hơn 1,64 triệu cổ phần, với tổng giá trị lên tới gần 100 tỷ đồng do Công ty CP Chè Lâm Đồng và Công ty Chè Cà phê Di Linh phát hành, thuộc sở hữu của Công ty CP Thương mại Toàn Lực để giảm nợ phải thu về hàng hóa của công ty này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tiết kiệm nhà ở: Khó vận hành khi lương còn chưa đủ ăn.

 

Dự kiến, các thủ tục chuyển nhượng sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2013.

 

Như vậy, sau gần cả năm trời nỗ lực, VID sắp đòi được một món nợ khá lớn. Chỉ có điều, thay vì lấy tiền về, VID sẽ nhận cổ phần với mục đích chính là cố gắng tái cơ cấu toàn diện công ty trong bối cảnh DN này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, lỗ trong hai quý vừa qua và cũng lỗ trong 2 năm liền trước, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

 

Nghị quyết "nhận chuyển nhượng cổ phần để cấn trừ nợ" nói trên được coi là một nỗ lực giảm nợ phải thu nhằm khắc phục lỗ ngay trong năm tài chính 2013 này.
 
Lột tài sản đại gia để cấn nợ

 

Tháng trước, giới đầu tư cũng chứng kiến hàng loạt các chủ nợ của Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm đã chấp nhận phương án DN này phát hành hàng chục triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ.

 

Số lượng và tên tuổi của các chủ nợ (trong báo cáo tài chính đa số là ngân hàng) không được công bố nhưng theo phương án đã được thông qua, KBC sẽ phát hành cho hơn 100 triệu cổ phiếu cho khoảng 20 NĐT cá nhân, tổ chức và các chủ nợ của công ty, với mức giá có thể thấp hơn giá trị sổ sách của công ty nhưng tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

 

Gần đây, nhiều chủ nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng đã phải đồng ý nhận lượng cổ phiếu phát hành thêm lên tới cả nghìn tỷ của DN này để cấn trừ nợ.

 

Cũng trong vài tháng qua, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) có lẽ cũng đã phải ngậm ngùi chấp giải pháp để Công ty CP Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) gán nợ bằng 120 triệu cổ phiếu.

 

Đây có lẽ phương pháp duy nhất để giúp HT1 thoát khỏi áp lực chi phí tài chính để có thể vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh DN này nợ quá nhiều, thặng dư lợi nhuận rất thấp và giá cổ phiếu lúc đó chỉ quanh mốc 5.000 đồng/cp.

 

Nhiều chủ nợ cũng đã chấp nhận giải pháp chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu như trong trường hợp Sadico Cần Thơ (SDG), Mía đường Kon Tum (KTS)... Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chủ nợ tìm cách siết nợ, được thứ gì hay thứ đấy như vụ 7 ngân hàng lớn cùng siết nợ Công ty TNHH Trường Ngân; hàng chục ngân hàng chặn xe, mắc võng bao vây trước hai cổng của một DN sản xuất inox tại Thường Tín, Hà Nội...

 

Vụ Sacombank bán hàng chục triệu cổ phần của cha con ông Đặng Văn Thành, nguyên chủ tịch và thành viên HĐQT của ngân hàng này, khoảng giữa năm 2013 để cấn trừ nợ cũng là một ví dụ.

 

Ở mảng BĐS, khá nhiều vụ gán dự án, gán nhà, trung tâm thương mại... cho chủ nợ đã xảy ra, ở cả các thành phố lớn và tỉnh lẻ.

 

Đau đầu với nợ khó đòi

 

Hiện tượng các DN, các ngân hàng tất tả ngược xuôi đòi nợ trong thời gian gần đây cho thấy một góc đáng buồn của nền kinh tế. Nhiều DN và ngân hàng, cả con nợ và chủ nợ đều rất khó khăn.

 

Với ngân hàng, đối tượng này cần phải đẩy mạnh cho vay để đạt hiệu quả tín dụng nhưng cũng đang "long tóc gáy" để đòi nợ trong bối cảnh nợ xấu tăng rất mạnh trong thời gian qua do các DN - khách hàng chính của các ngân hàng chìm ngập trong khó khăn.

 

Với các DN, bán được hàng là ưu tiên hàng đầu, là nguồn thu cho DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế thấp như hiện tại, hiện tượng bán nợ, bán chịu và qua đó dẫn tới nợ xấu là khó tránh khỏi.

 

Tình cảnh rập rình đòi nợ của chủ nợ hay cảnh trốn chui trốn lủi của con nợ đều bi thảm.

 

Trường hợp của Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID), sau nhiều tháng lên phương án đòi nợ, thay vì tiền mặt, VID chỉ nhận được cổ phiếu của các DN thuộc sở hữu của con nợ. Tuy nhiên, nếu suôn sẻ, việc đòi nợ rõ ràng là thành công bởi VID đang rất bi đát.

 

Báo cáo hợp nhất quý III/2013 cho thấy, VID chỉ còn tiền và các khoản tương đương tiền chưa tới 3 tỷ đồng. DN có quy mô 250 tỷ đồng nhưng phải thu khách hàng lên tới gần 260 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 64 tỷ đồng; nợ phải trả trên 500 tỷ đồng với nợ ngắn hạn gần 400 tỷ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn hơn 280 tỷ đồng. Thậm chí, hồi giữa tháng 10, VID còn bị cảnh báo hủy niêm yết.

 

Hiện cổ phiếu VID vẫn đang trong diện bị kiểm soát và chỉ được giao dịch trong 15 phút đợt cuối. Nỗ lực thoát lỗ nếu thành công sẽ giúp cổ phiếu này tồn tại được trên sàn chứng khoán.

 

Những khó khăn chồng chất có lẽ đã khiến các DN, ngân hàng buộc phải tìm mọi cách để đòi tiền các con nợ. Nhiều DN, ngân hàng may mắn nhưng cũng không ít đối tượng đen đủi, đòi mãi không được nợ, và khó khăn ngày càng chồng chất.

 

Trong trường hợp CNT, cổ phiếu này vẫn đang nằm trong diện cảnh báo và đã thua lỗ 5 quý liên tiếp. DN này đang vướng nhiều khoản nợ quá hạn lớn, cho dù đã được giải thích là của các khách hàng có quá trình hợp tác lâu dài với công ty, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

 

Với V15, DN này gần đây đã giải trình ý kiến ngoại trừ về khoản phải thu khách hàng cuối quý II/2013 đã quá hạn thanh toán trên một năm khoảng 86 tỷ đồng. Lý do V15 đưa ra là do khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế gặp khó khăn chung và các khách nợ đều là DNNN. Biện pháp khắc phục là "dùng mọi biện pháp" "đôn đốc", "tích cực đàm phán"... để thu hồi các khoản phải thu khách hàng.

 

Có thể thấy, việc đòi nợ với nhiều DN đang là sự sống còn, bởi nhờ đó họ có thể phục hồi đi lên hoặc mãi mãi đi xuống, lụi tàn. Đây là việc mà không ít DN, ngân hàng đặt làm trọng tâm trong năm 2013, thậm chí 2014. Song, trong một số vụ việc, những biện pháp đòi nợ xem ra đã vượt qua những cách thức thông thường, có dấu hiệu của hoạt động đòi nợ tín dụng đen, siết nợ tới những tài sản ít người nghĩ tới.

 

Theo Huấn Tú

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước