Lòng chần cháo vẫn đông khách, giá thịt không giảm trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi

(Dân trí) - Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, có tới 4.231 con lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Tuy nhiên, sức tiêu thụ thịt lợn cũng không vì thế mà giảm, thậm chí còn tăng.

Giá thị lợn không giảm

Dịch lợn tả châu Phi đang có diễn biến khó lường, nhưng tại Hà Nội, tình hình giết mổ và tiêu thụ lợn thịt vẫn diễn ra bình thường. Lượng cung tuy thiếu hụt nhưng giá bán thịt tại các chợ dân sinh cũng như một số siêu thị tiện ích vẫn không có nhiều thay đổi trong suốt thời điểm dịch tả lợn bùng phát.

Khảo sát tại chợ Hôm (phố Huế, Hà Nội), một khu chợ ngay trung tâm Hà Nội, các tiểu thương bán thịt tại đây cho biết, sau Tết Nguyên đán, lượng thịt tiêu thụ của người dân tăng lên trong khi nguồn cung lợn thịt sau tết có phần khan hiếm nên giá bán thịt vẫn ở mức cao. Vì thế, dù có đang trong dịch thì giá thịt lợn vẫn dao động từ 60.000 – 68.000 đồng/kg, tùy loại.

Lòng chần cháo vẫn đông khách, giá thịt không giảm trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi - 1

Giá thịt lợn dao động từ 60.000 - 68.000 đồng/kg tại các chợ bán lẻ

Nhiều người lo sợ dịch tả lợn sẽ khiến nhiều người tuồn lợn dịch vào tiêu thụ ở thị trường đông dân như Hà Nội, nhưng tiểu thương tại chợ cho biết, nhìn chung nguồn lợn thịt lấy từ các cơ sở chế biến trong thành phố không tăng nhiều, vì thế không dễ kết luận có việc bán tháo lợn dịch từ các địa phương lân cận lên Hà Nội hay không.

“Giá lợn thịt thu mua từ các mối buôn cũng không có biến động, nên các hàng bán lẻ trong chợ vẫn giữ nguyên giá bán như sau Tết Nguyên đán. Tuy đang có dịch, nhưng nguồn lợn thịt về chợ được cam kết đảm bảo. Hơn nữa, việc kinh doanh còn lâu dài, tôi không dại gì mà mua lợn dịch về giết mổ để cung cấp ra thị trường, lãi chẳng đáng bao nhiêu mà hại người còn hại cả mình”, một tiểu thương cho hay.

Sau một thời gian hoang mang, hiện người dân đã quay trở lại tiêu thụ thịt lợn khá mạnh. Lý do cũng bởi nhiều người đã quá chán các loại thực phẩm như bò, gà, cá,… Chị Hoàng Ngân (Đội Cấn, Hà Nội) thèm món canh khoai sườn quá nên đã mua cả cân về để nấu cùng với sườn xào chua ngọt.

Chị Ngân cho biết: “Các món ăn được chế biến từ thịt lợn vẫn là dễ ăn nhất, thậm chí có thể ăn cả tuần là món chính. Các loại thực phẩm như gà, bò, cá chỉ có thể ăn thay đổi để không quá ngán. Từ lúc biết có dịch tôi cũng chỉ nhịn miệng vài bữa để nghe ngóng tình hình. Từ khi biết có những thông tin tích cực thì tôi đã ăn trở lại chứ không còn lo lắng như lúc dịch mới bùng phát”, chị Ngân cho biết thêm.

Sức mua tăng trở lại

Chị Thanh (TP Hải Dương) vừa bán buôn vừa có một sạp thịt lợn ở chợ. Những ngày cao điểm dịch, hầu như phải bán tới tối mịt mới về vì còn ế nhiều thịt. Nhưng khi báo đài thông báo rằng DTLCP không có khả năng lây sang người thì lượng bán lại tốt trở lại.

“Hơn nữa, việc kiểm dịch đang rất gắt gao, chúng tôi vận chuyển thịt đi đâu cũng đều phải mang giấy xác nhận của địa phương theo, hoặc thịt phải có dấu kiểm dịch. Do đó, người tiêu dùng cũng yên tâm phần nào”, chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, hiện giá thu mua lợn hơi tại các hộ chăn nuôi Đông Anh (Hà Nội) dao động từ 40.000 – 43.000 đồng/kg, tại Hải Dương là khoảng 44.000 - 45.000 đồng/kg.

"Nhìn chung, diễn biến dịch thường xảy ra theo mùa khí hậu, thời tiết từng vùng. Ở miền Bắc sau Tết (mùa hoa xoan) lợn thường bị dịch tả, sang mùa nóng lợn thường bị viêm cầu, tai xanh. Đến mùa lạnh lại có dịch lở mồm, long móng… Biết trước điều này nên cơ sở phải cân đối, xem xét nhập lợn về chế biến theo từng vùng, phòng tránh những đàn lợn dịch làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm mất uy tín của cơ sở” chị Thanh cho biết thêm.

Lòng chần cháo vẫn đông khách, giá thịt không giảm trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi - 2

Các quán lòng trần cháo vẫn đông khách

Không chỉ các chợ dân sinh, tại các quán ăn, quán bún chả, đặc biệt là tại các quán lòng trần cháo ở Hà Nội trong dịp này vẫn đông khách, sức tiêu thụ của món nhậu “khoái khẩu” này cũng không hề giảm.

Lòng chần cháo vẫn đông khách, giá thịt không giảm trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi - 3

Đĩa lòng này có giá 120.000 đồng

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: DTLCP không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. 

“Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người”, PGS Phu giải thích thêm.

Thế Hưng

Lòng chần cháo vẫn đông khách, giá thịt không giảm trước “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi - 4