Long Biên – tiềm năng trở thành “điểm nóng” BĐS tại Hà Nội
Không chỉ là “cửa ngõ kinh tế” khu vực phía Đông, nhiều ý kiến cho rằng - Long Biên sẽ trở thành một trung tâm mới của bất động sản thủ đô khi sở hữu những tiềm năng sẵn có và sự thay da đổi thịt từng ngày.
Bước chuyển mình ngoạn mục
Nằm ở phía Đông thành phố Hà Nội, Long Biên là quận có diện tích lớn nhất của thủ đô. Khoảng 10 năm trước, khi nhắc đến Long Biên, nhiều người vẫn còn mang tâm lý “ngăn sông cách cầu”, thiếu các dịch vụ tiện ích cao cấp, cơ sở an sinh xã hội trung bình chưa tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của dân cư.
Nếu như bức tranh đô thị Long Biên trước đây mang màu ảm đạm với hạ tầng cơ sở của khu vực khá tệ. Trục đường nút giao thông tại nút Vũ Văn Linh, Vũ Xuân Thiều và Nguyễn Văn Linh, Việt Hưng thường xuyên xảy ra ách tắc, rất hạn chế về giao thông. Không chỉ vậy quận Long Biên còn thiếu thốn nhiều cơ sở hạ tầng cơ bản như y tế, vui chơi giải trí cộng đồng, giáo dục công lập...
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi nhìn vào bức tranh đô thị - xã hội quận Long Biên, không ít người thấy ngỡ ngàng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực phía Đông, cơ sở hạ tầng đã trở nên đồng bộ, nhiều tuyến đường mới được nâng cấp và mở rộng như: cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, Quốc lộ 5 kéo dài…
Hệ thống đường giao thông khu vực phía Đông được mở rộng như nút giao thông trung tâm quận Long Biên, đường 5 kéo dài, mở rộng đường Ngô Gia Tự… càng làm cho giao thông thông thoáng, khác hẳn với tình trạng tắc đường thường xuyên ở khu vực phía Tây Thủ đô.
Cùng với đó, hệ thống dịch vụ và tiện ích xã hội cũng được bổ sung ngày càng phong phú và cao cấp hơn. Người dân khu vực phía Đông chỉ cần di chuyển trong bán kính vài cây số là được tận hưởng mọi dịch vụ tiện ích hiện đại và đẳng cấp như trung tâm mua sắm Vincom Center, Big C– Savico Mega Mall, đại siêu thị Aeon Mall.
Việc học tập của con cái cũng vô cùng thuận tiện và đa dạng bởi có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh hệ thống trường công lập như Thạch Bàn, Việt Hưng, Đức Giang hay Nguyễn Gia Thiều, khu vực phía Đông gần đây còn đón nhận thêm những trường quốc tế chất lượng cao như Wellspring, Trường quốc tế Anh BIS và Pháp Alexander Yersin. Cùng với đó là hệ thống trường liên cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông Vinschool. Không chỉ thoả mãn nhu cầu giáo dục chất lượng cao cho cư dân khu vực phía Đông mà những trường này thậm chí còn thu hút nhiều học sinh ở trung tâm thành phố chuyển sang học.
Quận Long Biên có vị trí rất gần với khu vực trung tâm, giáp với quận Hoàn Kiếm – nơi giá trị bất động sản luôn đứng tốp đầu thủ đô, hoàn toàn có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới. Đặc biệt, nếu so với với TP.HCM thì quận 2 có vị trí tương đồng với Long Biên cho thấy hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có tiềm năng phát triển những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.
Thị trường bất động sản khu vực này cũng “bùng sáng” và cho thấy những tiềm năng rất lớn.. Hiện nay, trên địa bàn đã và đang hình thành một số khu đô thị như khu đô thị Việt Hưng, khu nhà ở Bồ Đề, khu nhà ở Ngọc Thụy, khu đô thị Thượng Thanh, khu đô thị Sài Đồng. Cùng với một số khu đô thị sinh thái như Vinhomes Riverside, Ha Noi Garden City. Trong tương lai, một loạt dự án nhà ở tại khu vực Cổ Linh, Vĩnh Tuy, Tư Đình được hình thành sẽ đưa Long Biên trở thành một “điểm nóng” bất động sản tại Hà Nội.
“Điểm tựa để cất cánh”
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội.
Đáng lưu ý là hiện UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 5 dự án xây dựng các dự án này bao gồm: Cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dự kiến hoàn thành năm 2021; Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến hoàn thành vào năm 2021; Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng dự kiến hoàn thành năm 2019; Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; Xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020.
Các dự án này được đánh giá sẽ tăng kết nối giao thông giữa trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận; đặc biệt cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Giang Biên, cầu Trần Hưng Đạo... sẽ tăng kết nối trung tâm Thủ đô khu vực phía Đông Hà Nội, giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Điểm đặc biệt, Long Biên hiện nay cũng là quận đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội có sân golf 27 lỗ cho thấy các dịch vụ tiện ích đẳng cấp của thành phố đều hiện hữu tại Long Biên. Điều này sẽ rất phù hợp với đặc thù cư dân tại đây khi xu hướng hiện nay cho thấy người có thu nhập cao chuyển về sinh sống tại Long Biên rất lớn nhờ hệ thống hạ tầng và môi trường sống trong lành, yên tĩnh và xanh mát.
Mặc dù có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng nguồn cung bất động sản tại đây lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh đó, những dự án có quy mô, sinh thái và loại hình đa dạng như Ha Noi Garden City không chỉ “châm ngòi” cho sự phát triển bất động sản của khu vực mà còn đáp ứng kịp thời về nguồn cầu bất động sản cao cấp đang rất lớn của Long Biên.
Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 32ha, dự án Ha Noi Garden City được đầu tư bởi Công ty TNHH Berjaya-Handico12, Công ty liên doanh giữa Berjaya và Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Nhà Số 12 Hà Nội (Handico12) được đánh giá là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong bức trang bất động sản cửa ngõ phía Đông thành phố. Dự án được thực hiện với thiết kế đẹp, mật độ xây dựng thấp và hạn chế chiều cao của các công trình nhằm mở rộng không gian và tạo cảnh quan cây xanh cho khu vực.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trong tương lai gần bất động sản Long Biên được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” của bất động sản Hà Nội. Với những điều kiện thuận lợi về mặt hạ tầng và nguồn cầu dồi dào, thị trường bất động sản tại Long Biên sẽ là mảnh đất tiềm năng cho những nhà đầu tư có chiến lược phát triển bài bản và bền vững.
M. Phương