Lối thoát nào cho một nền kinh tế đang “ốm yếu”?
(Dân trí) - Trong khi Mỹ đang chứng tỏ sự thành công với việc dần rút khỏi suy thoái với biện pháp kích cầu tiêu dùng thì châu Âu vẫn lún sâu trong khủng hoảng khi chính sách “thắt lưng buộc bụng” thất bại.
Trong suy thoái, người tiêu dùng không còn ưu tiên dùng tiền cho việc chi tiêu.
Tác giả Henry Blodget trong một bài báo đăng tải trên BusinessInsider gần đây đã đưa ra hai phương pháp cơ bản để củng cố một nền kinh tế đang có vấn đề.
Phương pháp tiếp cận đầu tiên được nhắc đến là “thắt lưng buộc bụng”.
Phương pháp này dựa trên lý thuyết cho rằng, nền kinh tế đang yếu kém do Chính phủ chi tiêu nhiều hơn so với nguồn thu nhận được và thâm hụt ngân sách tạo nên một sự “bấp bênh”.
Nhưng nếu Chính phủ giảm chi tiêu thì theo lý thuyết này, tính bấp bênh sẽ giảm và niềm tin sẽ quay trở lại. Sau đó, nền kinh tế có thể phục hồi một cách lành mạnh.
Phương pháp thứ hai là “kích thích”.
Cách tiếp cận này dựa trên lý thuyết cho rằng nền kinh tế yếu đi vì người tiêu dùng đang bị thất nghiệp, đang gặp khó khăn và họ có ít tiền hơn để dành cho chi tiêu.
Cho nên, nếu Chính phủ sẵn sàng chịu thâm hụt và dùng ngân sách đầu tư cho tới khi khối lượng người thất nghiệp trong nền kinh tế giảm xuống, người tiêu dùng sẽ có tiền để chi tiêu. Nói cách khác, chi tiêu của Chính phủ sẽ giữ cho “mạch máu của nền kinh tế lưu thông đến khi bệnh nhân khỏe lại”.
Năm năm trước, các nhà kinh tế đã từng bế tắc trong cuộc tranh luận gay gắt rằng cách tiếp cận nào là tốt hơn – “thắt lưng buộc bụng” hay “kích thích”?
Và rất may, câu hỏi đó đã được trả lời, Henry Blodget nói, “kích thích” là một phương pháp tối ưu hơn.
Đáp án này dựa trên chính thực tế trải nghiệm của nền kinh tế.
Giai đoạn 2008-2009, cả Mỹ và Châu Âu cùng bước vào cuộc suy thoái sâu.
Đáp lại, người Mỹ thực hiện “kích cầu”. Trong khi đó, châu Âu – nhất là Vương quốc Anh – lại đưa ra quyết sách “thắt lưng buộc bụng”.
Biện pháp chi tiêu chặt chẽ được Chính phủ các nước ở miền nam châu Âu áp dụng. Tuy nhiên, thực tế đã cho câu trả lời với sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp, sự yếu kém đang tiếp tục diễn ra tại Italia, Tây Ban Nha và phần lớn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro).
Rõ ràng, sự cắt giảm chi tiêu không phải là cách để mang lại thịnh vượng.
Dẫn biểu đồ minh họa của nhà kinh tế học Paul Krugman, tác giả bài viết đã đưa những diễn giải với hai phương pháp điều hành đã được Mỹ và Anh sử dụng để đối mặt với suy thoái.
Nguồn: Paul Krugman - New York Times.
Đường màu đỏ trên biểu đồ thể hiện sự cải thiện của kinh tế Mỹ trong vòng 5 năm qua. Chính sách kích thích kinh tế được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng đã mang lại cho Mỹ những bước tiến đáng kể trong quy mô so với thời kỳ trước suy thoái.
Đường màu xanh biểu thị kinh tế Anh. Vương quốc này đã áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm củng cố lại nền kinh tế, song trong nhiều năm qua, diễn biến kinh tế Anh đã trở nên tệ hơn, thậm chí quy mô còn thu hẹp lại so với trước khủng hoảng.
Theo Henry Blodget , biểu đồ này sẽ khiến những người tin rằng cách thức củng cố một nền kinh tế yếu kém thông qua cắt giảm chi tiêu Chính phủ sẽ phải suy nghĩ lại.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là cả hai cách tiếp cận trên trong 5 năm qua đã bị “chính trị hóa”. Tác giả bài viết chỉ ra rằng, tại các quốc gia đang xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”.
Theo đó, những người cổ xúy cho các quan điểm này không bao giờ lật lại vấn đề mà chỉ nhìn vào lợi ích của đảng phái. Đó thực sự là điều tồi tệ, bởi, trong khi các nhóm chính trị vẫn cố gắng giành điểm số cho đảng mình thông qua với những bản thuyết trình hứa hẹn thì phần còn lại, người dân vẫn đang phải gánh trên vai cả một nền kinh tế đầy yếu kém.
Bích Diệp
Theo Business Insider
Theo Business Insider