Lời giải bài toán nhập siêu
Nền kinh tế đang đạt trạng thái cân bằng hơn trong cán cân thương mại - đó là điểm nổi bật trong báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê.
Theo đó, trong tổng mức lưu chuyển ngoại thương năm 2005 ước tính đạt 69,11 tỷ USD, xuất khẩu đã đạt 32,23 tỷ USD, tăng 21,6% và nhập khẩu đạt 36,88 tỷ USD, tăng 15,4%.
Như vậy, trong năm 2005 tốc độ xuất khẩu tăng đáng kể so với tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng nhanh hơn 6,2 điểm phần trăm), do vậy nhập siêu cả năm nay giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với trị giá xuất khẩu: nhập siêu cả năm chỉ còn 4,65 tỷ USD (năm 2004 là 5,45 tỷ), bằng 14,4% kim ngạch xuất khẩu, giảm 6,2 điểm phần trăm so với tỷ lệ 20,6% trong năm 2004.
Xuất khẩu đã bền vững hơn
Những phân tích về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cho thấy xuất khẩu ngày càng bền vững hơn, ít dựa hơn vào những mặt hàng tài nguyên khoáng sản. Trừ dầu thô, xuất khẩu các mặt hàng còn lại vẫn tăng gần 20%, đạt 24,85 tỷ USD, tăng 19,3%, trong đó kinh tế trong nước 13,72 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn FDI (không kể dầu thô) 11,13 tỷ USD, tăng 26,2%.
Năm 2005, sau dầu thô kim ngạch dệt may ước đạt 4,81 tỷ USD, giày dép 3 tỷ USD, thuỷ sản khoảng 2,74 tỷ USD, có thêm 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử máy tính và gạo.
Có thể thấy, nhờ yếu tố khách quan, trong năm nay, lượng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như cà phê, điều và chè giảm, nhưng được lợi về giá nên kim ngạch xuất khẩu cả ba mặt hàng này đều tăng hơn năm trước: kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 13,1%; điều tăng 11,5%; chè tăng 4,6%...
Thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam cả năm nhìn chung ổn định và tăng so với cùng kỳ, nhất là các thị trường lớn và xuất hiện nhiều thị trường mới ở khu vực châu Phi. Thị trường Hoa Kỳ cả năm ước tính khoảng 6 tỷ USD, tăng 16,2%, tăng mạnh ở mặt hàng gỗ và đồ gỗ xuất khẩu, giày dép. Thị trường Nhật Bản 4,45 tỷ USD, tăng 26,9%, trong đó thuỷ sản tăng 8%, dệt may tăng 16%....
Tính bình quân diễn tiến trong 5 năm qua, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoảng sản tăng 16,8% và chiếm tỷ trọng 34,2% tổng kim ngạch, nhóm hàng công nghiệp nh‹ và tiểu thủ công nghiệp tăng 21%, chiếm 40,8%, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ hải sản tăng 12%, chiếm 25%.
Đây là chiều hướng đáng khích lệ trong cơ cấu xuất khẩu nước ta. Bởi vì, các mặt hàng xuất khẩu mang tính bền vững như sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đang ngày càng có ưu thế trong tỷ trọng.
Tốc độ nhập khẩu đã giảm
Với trị giá nhập khẩu đạt 36,88 tỷ USD, mức tăng nhập khẩu 15,4% của năm 2005 so với năm 2004 được đánh giá là đã giảm đáng kể.
Đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước chỉ nhập 23,19 tỷ USD, tăng 11,1%, so với tốc độ tăng nhập khẩu 23,5% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự ít phụ thuộc bên ngoài hơn của khu vực kinh tế trong nước, vì so với tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ còn 62,9% (năm trước là 65,3%).
Trong cơ cấu mặt hàng, nhập khẩu chỉ tăng đáng kể ở các nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất. Trong một số mặt hàng có thống kê về lượng, nhiều mặt hàng có tốc độ tăng giá cao hơn tốc độ tăng về lượng.
Nhập khẩu xăng dầu cả năm đạt 4,97 tỷ USD, tăng 39% so với năm trước (lượng nhập khẩu tăng 2,6%, giá nhập khẩu tăng 35%); sắt thép 2,98 tỷ USD, tăng 16% (lượng tăng 8,7%, giá tăng 6,7%); chất dẻo 1,43 tỷ USD, tăng 19,7% (lượng tăng 2,5%, giá tăng 16,7%)...
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu phân bón giảm mạnh, do lượng nhập giảm, kéo theo kim ngạch giảm; bông giảm 14,6% (chủ yếu do giá giảm 20,6%, trong khi lượng tăng 7,6%); dầu mỡ động thực vật giảm 18,5%.
Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cả năm tăng không đáng kể (+0,1%). Nhập khẩu ô tô tăng 19,3%, trong đó nguyên chiếc giảm 13,2% (riêng số lượng nhập giảm 24,3%); xe máy nhập khẩu 533 triệu USD, tăng 17,9% so với năm trước, trong đó xe máy nguyên chiếc nhập khẩu tăng 61,2% (số lượng nhập 44,8 nghìn chiếc, bằng 2,3 lần năm 2004).
Đây là một mặt bằng "chấp nhận được", xét trong cả giai đoạn, nền kinh tế phụ thuộc vào các mặt hàng thiết yếu bên ngoài ngày một ít hơn: đạt mức 31,9% của hàng máy móc, thiết bị tỷ trọng là dưới chỉ tiêu kế hoạch (32,6%), tương tự, tỷ trọng nhóm nguyên vật liệu tương ứng giảm từ 63,2% xuống 61,7%, trong khi chỉ tiêu là 63,5%.
Ngành thương mại kiến nghị, để tiếp tục giải bài toàn nhập siêu, không còn cách nào khác là đẩy mạnh sản xuất trong nước nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản và mở rộng sản xuất, phục vụ xuất khẩu hiện vẫn đang có nhu cầu rất lớn. Đồng thời, tập trung năng lực cho các ngành sản xuất những mặt hàng có hàng rào thuế quan hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do cam kết hội nhập.
Theo đánh giá, hiện nay thiếu hụt cán cân ngoại thương chưa tạo vấn đề lớn vì được bù đắp bởi đầu tư nước ngoài và kiều hối. Số lượng kiều hối có lợi ích rất rõ đối với nền kinh tế là lấp vào thiếu hụt cán cân ngoại thương, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại làm đồng Việt Nam cao giá và tạo sự ỷ lại vì có thể thu hút được khoản ngoại tệ không làm mà có này.
Do vậy, chỉ tiêu nhập siêu 5 năm tới (32,3 tỷ USD, bằng 12,7% tổng kim ngạch xuất khẩu) nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì sẽ gặp những thách thức không nhỏ!
Theo Nguyên Linh
VnEconomy