Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn "loay hoay" với Ethanol Dung Quất

Anh Hoa

(Dân trí) - Một số ngân hàng đã khởi kiện Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) lên TAND thành phố Quảng Ngãi do phát sinh các khoản vay quá hạn thanh toán tại Nhà máy Ethanol Dung Quất.

Công ty con bị ngân hàng khởi kiện vì khoản vay quá hạn

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Lọc hóa dầu Bình Sơn, mã chứng khoán: BSR) đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021,

Báo cáo có nội dung liên quan tới việc 3 ngân hàng khởi kiện Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) - doanh nghiệp do Lọc hóa dầu Bình Sơn sở hữu 65,54% cổ phần - lên Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Quảng Ngãi do phát sinh các khoản vay quá hạn thanh toán tại Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất (Bio-Ethanol Dung Quất) - 1 trong 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn loay hoay với Ethanol Dung Quất - 1

Lọc hóa dầu Bình Sơn loay hoay với Ethanol Dung Quất (Ảnh: Hà Xuyên).

TAND thành phố Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện trên.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết tổng nợ gốc và lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Ethanol Dung Quất là khoảng 1.371,9 tỷ đồng. Trong đó, có 60,195 tỷ đồng và 38.280.000 USD - tương đương 926 tỷ đồng là số dư gốc vay đã quá hạn, chưa được thanh toán.

Giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình trên là khoảng 1.217,7 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021. Hiện số tài sản này được dùng để thế chấp cho các khoản vay.

Trước đó, OceanBank ký hợp đồng trở thành ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Ethanol Dung Quất với tổng trị giá hợp đồng hơn 45,5 triệu USD và 70,5 tỷ đồng vào tháng 3/2010. Còn PVCombank Đà Nẵng và Vietcombank Dung Quất là ngân hàng đồng tài trợ vốn, theo báo cáo của Bộ Công Thương.

Tháng 3/2012, sản phẩm đầu tiên của nhà máy được bán ra thị trường.

Tháng 4/2015, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động vì thua lỗ trong bối cảnh sản phẩm không được người tiêu dùng ưa chuộng, chi phí sản xuất gia tăng.

Về BSR-BF, báo cáo tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức 9,5 tỷ đồng trong năm 2021. Giá vốn hàng bán ở mức 82,6 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận của BSR-BF âm 73,1 tỷ đồng, qua đó khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tăng lên 1.243,3 tỷ đồng tính tới 31/12/2021. Còn vốn chủ sở hữu âm gần 111 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330,7 tỷ đồng. Còn nợ quá hạn thanh toán là 926 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy và các hỗ trợ tài chính từ cổ đông, cũng như lợi nhuận từ kinh doanh trong tương lai.

Hưởng lợi nhờ giá dầu thô

Về kết quả kinh doanh, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần ở mức 101.080 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 74,3% so với năm 2020. Giá vốn hàng bán ở mức 93.381,3 tỷ đồng, tăng 55,1%.

Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn loay hoay với Ethanol Dung Quất - 2

Lọc hóa dầu Bình Sơn (Ảnh: BSR).

Tốc độ tăng trưởng của doanh thu thuần cao hơn giá vốn giúp biên lợi nhuận thuần của doanh nghiệp đạt mức 7,61%, trong khi cùng kỳ ghi âm. Giá trị lợi nhuận thuần của doanh nghiệp là 7.698,7 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và chi phí lần lượt ở mức 1.014,8 tỷ đồng và 619,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 52,3% và 24,4%.

Về chi phí, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt ở 781 tỷ đồng và 406,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 41,5% và 51,2%.

Với kết quả này, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 ở 6.906,6 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm 2020 âm 2.852,4 tỷ đồng.

Trong năm, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác ở mức hơn 34 tỷ đồng.

Trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận ở mức 6.683,5 tỷ đồng. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ ở mức 6.715,5 tỷ đồng.

Lý giải kết quả, trong báo cáo giải trình, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn - cho biết giá dầu thô (Dated Brent - PV) liên tục tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2021 - từ 49,89 USD/thùng lên 83,66 USD/thùng, trước khi giảm xuống mức 74,1 USD/thùng vào tháng 12/2021 đã tạo khoảng chênh lệch lớn giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính là xăng, dầu thành phẩm. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn 4.000 tỷ đồng tiền gửi tại OceanBank bị tạm dừng giao dịch

Về quy mô tài sản, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 66.795,6 tỷ đồng tính tới 31/12/2021. Trong đó, giá trị khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, phải thu ngắn hạn lần lượt ở mức 16.345,6 tỷ đồng, 4.189,5 tỷ đồng, 13.600,5 tỷ đồng - tăng lần lượt 27,7%, 337,2%, 74%.

Với khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền, doanh nghiệp có hơn 2.734,7 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại OceanBank chi nhánh Quảng Ngãi bị tạm dừng giao dịch tính tới 31/12/2021. Theo Ban tổng giám đốc doanh nghiệp, khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tương tự, tại khoản mục các khoản đầu tư tài chính, doanh nghiệp ghi nhận 2.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại OceanBank - chi nhánh Quảng Ngãi bị tạm dừng giao dịch tính tới 31/12/2021. Số tiền này cũng dự kiến được giao dịch trở lại trong tương lai khi có quy định cụ thể của NHNN.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 1.264,3 tỷ đồng, bằng 29,7% tổng giá trị đầu tư vào Công ty TNHH kho ngầm Xăng dầu Dầu khí Việt Nam. Đáng lưu ý, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chưa được doanh nghiệp đánh giá cụ thể tại ngày kết thúc năm tài chính 2021 do các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về nguồn vốn, giá trị nợ phải trả và nguồn vốn của doanh nghiệp lần lượt ở mức 29.231,8 tỷ đồng và 37.563,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,7% và 20,9%.