Loạt hàng hóa xuất khẩu sang EU bị siết quy định về hóa chất
(Dân trí) - Luật hóa chất mới của EU (Liên minh châu Âu) sẽ khiến các mặt hàng nhuộm, in, vải sợi, may mặc, giày dép,…của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều bị siết chặt.
Đó là những nội dung chính diễn ra tại buổi Hội thảo “Những quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU và thủ tục tuân thủ” diễn ra sáng nay (16/11) tại Hà Nội.
REACH - luật hóa chất mới của EU là một quy định mới về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, gồm các nội dung: Đăng ký; Đánh giá; Chứng nhận và Hạn chế các chất hóa học.
Hiện nay, quy định REACH liên quan đến các hóa chất, hợp chất và các vật phẩm, được ban hành có hiệu lực từ 1/6/2007 để thay thế cho 40 luật về hóa chất ở EU. Và đây được cho là luật nghiêm ngặt nhất về hóa chất trên thế giới cho đến nay.
Việc trang bị cho doanh nghiệp (DN) kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ nhất về quy định REACH-luật hóa chất mới nhất của EU là điều vô cùng cần thiết đối với tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bởi các quy định phức tạp này có tác động đến hầu hết các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo nội dung của luật hóa chất mới, các chất được nhập khẩu vào châu Âu với số lượng 1 tấn/năm hoặc nhiều hơn sẽ phải đăng ký. Quy định này chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2018 và liên quan đặc biệt đến các nhà xuất khẩu Việt nam. Nhất là các DN xuất khẩu nội thất, dệt may, giày dép, đồ chơi, nhựa, điện tử,…và các công ty xuất khẩu hóa chất.
Do đó, DN trong nhóm ngành này cần đặc biệt lưu ý các sản phẩm của DN có chứa các chất gây hại cần được thông báo đến Cơ quan Hóa chất Châu Âu hay không, và liệu nó có bị hạn chế hoặc bị cấm ở châu Âu hay không.
Vì nếu cơ quan hành pháp cùng với hải quan của các nước EU tìm ra những chất bị hạn chế trong các vật phẩm mà chưa được khai báo hoặc chưa được đăng ký, họ sẽ loại bỏ hàng hóa đó ra khỏi thị trường châu Âu và DN hoàn toàn có thể bị phạt hoặc bị đưa ra tòa.
Tác động của luật hóa chất mới tới các DN Việt?
Phần lớn DN sản xuất nguyên phụ liệu và sản xuất sản phẩm xuất khẩu của ngành da giày, in nhuộm đều có sử dụng các hóa chất, trong đó có cả những mối nguy hại cao.
Nếu các chất đó được phát hiện thì DN sẽ phải được khai báo đến Cơ quan Hóa chất châu Âu ở Helsinki (Phần Lan). Quy định được áp dụng nếu nồng độ trong vật phẩm là 0.1%/tấn hoặc hơn và được nhập khẩu vào EU với số lượng là 1 tấn/năm hoặc hơn.
Ngoài ngành da giày, in nhuộm thì các nhà sản xuất Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến những hóa chất hoặc nguyên vật liệu trong các vật phẩm được sản xuất cũng như cách xử lý chúng, ví dụ sơn tường, lớp chống nước,…
Để chủ động ứng phó với những thay đổi, các DN Việt Nam cần chủ động nắm được nguồn gốc đầu vào. Thành phần nguyên liệu phải được kiểm tra và không nằm trong danh sách những chất có mối quan ngại cao, danh sách các chất hạn chế và các chất bị cấm.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp tới sẽ giúp cho việc đưa các sản phẩm đi qua khâu hải quan dễ dàng hơn, chi phí thấp hơn và tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Cơ quan Hành pháp EU sẽ càng chú ý thắt chặt hơn các quy định.
Vì thế, để đặt được các yêu cầu ngặt nghèo trong quy định REACH, ngay từ bây giờ, các DN có hàng hóa xuất khẩu sang EU cần nâng cấp hệ thống quản lý hóa chất trong sản phẩm của mình. Đồng thời, các DN cũng cần phải nghiên cứu nắm vững các yêu cầu mà REACH đặt ra.
Thế Hưng