Loạn xe khách “Chất lượng cao”

(Dân trí) - Bến nào cũng có xe khách gắn biển chất lượng cao nhưng các chuyên gia về vận tải khẳng định, đến nay vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể nào về việc này và điều đó là do các nhà xe tự động gắn mác để “làm hàng”…

“Lạm phát” xe chất lượng cao

Ngày đầu năm mới, lượng xe đổ về bến xe Giáp Bát (Hà Nội) tăng lên chóng mặt. Tại bãi xe hàng nghìn mét vuông này dường như quá nhỏ bé bởi số xe ra vào bến.

Hành khách Lê Văn Bình cho biết, anh lên Hà Nội vào ngày 12/2 trên chuyến xe chất lượng cao (CLC) Thái Bình - Hà Nội. Chiếc xe 45 chỗ ngồi này “cõng” trên mình 54 hành khách. Cũng theo anh Bình, đây là chiếc xe còn khá mới, tấm kính phía trước gắn dòng chữ “Xe khách chất lượng cao”.

Gọi là CLC nhưng thực tế khách hàng khi lên chiếc xe này đã nếm đủ mùi khó thở. Xe chở quá quy định, lại bắt trả khách dọc đường nên anh Bình ví nó là chiếc “cối xay” di động, không xứng với dòng chữ mà nhà xe gắn lên trước đó.

Không riêng gì bến xe Giáp Bát, các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Gia Lâm, Lương Yên… cũng “loạn” xe khách CLC.

Đứng đón tại đường ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt khoảng 5 phút, chúng tôi nhảy lên chiếc xe khách CLC biển kiểm soát 19L - 78… hướng từ Mỹ Đình lên Phú Thọ. Khác với màu sơn còn mới ngoài thân xe, nội thất của chiếc xe này áng chừng có thâm niên hàng chục năm không kém. Từng dãy ghế đôi cũ rích, lớp bọc da bong tróc, sàn xe lem luốc… nhưng vẫn được nhà xe gắn biển CLC.

Đánh trúng vào thị hiếu của người tiêu dùng, trong mấy năm gần đây nhiều nhà xe đã tự tiện gắn “logo” xe CLC tung hoành trên các tuyến đường. Một lái xe lý giải, trên thực tế ngoài các dòng xe mới khai trương, những chiếc xe đã từng chạy tuyến cố định đều có chất lượng ngang nhau, việc nói xe ông A “chất lượng cao” hơn xe ông B là không chính xác.

Phải đưa vào diện quản lý

Một cán bộ công tác trong ngành giao thông nói với Dân trí, bản thân ông cũng là nạn nhân của xe khách CLC. Ông lấy ví dụ, trên chuyến xe mà ông đi từ bến Nước Ngầm về Hà Tĩnh, chủ xe đã đón trả khách dọc đường không theo một quy định nào cả.

Gọi là xe CLC nhưng dịch vụ trên xe lại không có gì, khách hàng phải tự túc, thậm chí cả lơ xe, tài xế và hành khách vẫn thoải mái châm thuốc hút khi xe đang chạy, mặc cho nhiều chị em phụ nữ không chịu nổi mùi khói thuốc nên nôn thốc, nôn tháo ra sàn xe.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), trước đây Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có quy định về các loại xe khách CLC. Tuy nhiên, hiện nay quy định này vẫn không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho cả chủ xe và hành khách.

Ông Hùng nói, tiêu chí của một xe CLC là xe đó phải đảm bảo về chất lượng xe, người lái, nơi tổ chức bán vé, dịch vụ… Tuy nhiên, những tiêu chí này hầu như các xe CLC hiện nay không đáp ứng.

Theo ông Hùng, một trong những yêu cầu của xe CLC là phải ngồi đúng số ghế, xuất bến đúng giờ, không đón trả khách sai điểm quy định. Thế nhưng, hiện nay chưa những quy định đó vẫn khó thực hiện, hoặc thực hiện chưa nghiêm. Hiện nhiều chủ xe tự ý gắn mác CLC để đón khách mà không đáp ứng các tiêu chí cần thiết.

Cho đến thời điểm này, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có quy định lại về hoạt động của dịch vụ xe khách CLC. Ông Hùng đề nghị, Cục đường bộ Việt Nam nên sớm có quy định về loại xe CLC, cần sớm đưa vào quản lý một cách quy cũ. “Nên có lô gô thống nhất gắn trên mỗi xe đảm bảo chất lượng, tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng khi họ ra đón xe”, ông Hùng nói.

Trần Hưng