Loại bỏ điều kiện kinh doanh trái luật: Các bộ trưởng đóng vai trò “mắt xích”

(Dân trí) - Mặc dù Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều đồng thuận và quyết tâm phải loại bỏ tất cả những rào cản, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, cho DN phát triển… nhưng theo ông Nguyễn Đình Cung, để hiện thực hóa được mục tiêu trên, các bộ trưởng đóng vai trò là “mắt xích” quyết định.

Chiều ngày 28/6, phiên họp cuối cùng về hoạt động rà soát các nghị định quy định điều kiện kinh doanh (ĐKKD) sẽ diễn ra, theo đó sẽ quyết định nghị định nào được ban hành và những ĐKKD bất hợp lý bị loại bỏ.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, 1/7 không phải là hạn cuối cùng của tiến trình rà soát. Những nghị định quy định các ĐKKD chưa hợp lý sẽ tiếp tục được rà soát và sửa đổi để hoàn thiện theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi giật mình vì thấy có những ĐKKD được đưa vào nghị định quá dễ dàng
TS Nguyễn Đình Cung: "Tôi giật mình vì thấy có những ĐKKD được đưa vào nghị định quá dễ dàng"

Thưa ông, sau khi tiến hành rà soát, trong trường hợp các ĐKKD không phù hợp vẫn "lọt sàng" được nâng lên cấp nghị định thì việc sửa đổi tới đây sẽ thực hiện như thế nào?

Việc rà soát là một công việc thường xuyên, liên tục. Tất nhiên có những thời điểm cao trào như thời gian vừa qua nhưng nên đặt trong một quá trình liên tục, dù ban hành rồi nhưng vẫn phải xử lý tiếp.

Cái khó khăn ở đây là ý thức về sửa đổi quy định của các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển kinh doanh thể hiện chưa rõ, họ vẫn cố bảo vệ “quyền quản lý” của họ nhiều hơn. Nghị định khi đã ban hành dù có bị cho là bất hợp lý nhưng vẫn sẽ được thực hiện.

Nhìn chung, loại bỏ hoàn toàn được các ĐKKD bất hợp lý là công việc khó khăn, cần sự đồng lòng của tất cả các bên, sự vào cuộc của cả truyền thông, báo chí.

Về căn cơ, nên chăng thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập về vấn đề này? Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm về việc rà soát liên tục, loại bỏ những ĐKKD bất hợp lý bị lọt vào nghị định.

Nhìn lại quá trình rà soát, bản thân ông đánh giá như thế nào về cái được và cái chưa được trong việc loại bỏ giấy phép con trái luật?

Nếu kỳ vọng về một cải cách thực sự chắc có lẽ không đạt nhưng nhìn chung là tốt hơn ở mấy điểm:

Một là bỏ được những ĐKKD quy định giới hạn về quy mô như quy định số lượng vỏ bình gas đối với DN gas, quy định quy mô nhà máy phân bón… Nếu đặt ra quy mô thì sẽ tăng rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ lợi ích của những DN hiện tại, như thế không có cạnh tranh công bằng, khởi nghiệp gần như không còn.

Thời buổi nào rồi còn quy định một nhà máy phải có quy mô bao nhiêu ngàn tấn, quả thật là những tư duy ấu trĩ vô cùng!

Kế đến là những ĐKKD về trình độ máy móc sẽ được đưa về dạng quy chuẩn, tiêu chuẩn, dù có thể còn vài điểm chưa hợp lý những cũng đã chuyển được từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hạn chế được giấy phép con, gây phiền hà cho DN.

Hai điểm này có lẽ là hai điểm chủ yếu mà qua đợt rà soát này đạt được.

Còn cái chưa được là vẫn còn quá nhiều quy hoạch. Áp dụng cả quy hoạch ngành vào quy hoạch sản phẩm là một rào cản gia nhập thị trường rất khắt khe, một sự xin - cho lớn trong kinh doanh.

Thứ hai là ĐKKD có tính chung chung, định tính vẫn còn khá nhiều.

Thứ ba là có nhiều thứ ràng buộc thực sự vô lý. Trong đó 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có những ngành nghề vô lý nhưng các cơ quan soạn thảo là các bộ lại lấy cớ là đã được quy định ở luật rồi. Chẳng hạn như xây một trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật phải có 150 học sinh trở lên, chưa kể những tiêu chí về đất đai, nhà cửa và phải theo quy hoạch. Tôi đọc mà rất buồn. Đối với người khuyết tật, 1 người cũng phải dạy. Tư duy này quả thực tôi thấy thiếu nhân văn.

Trong cuộc họp vừa rồi, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các bộ trưởng nếu để các nghị định khi thông qua mà vẫn để lọt những ĐKKD bất hợp lý. Việc chịu trách nhiệm cụ thể ở đây là gì, thưa ông?

Theo tôi, ở đây là Thủ tướng giao trách nhiệm chính trị cho các bộ trưởng và muốn các bộ trưởng ý thức được “công việc này là quan trọng”. Chứ còn để đánh giá thế nào là hợp lý hay bất hợp lý thì rất vô cùng!

Qua rà soát, tôi giật mình vì thấy có những ĐKKD được đưa vào nghị định quá dễ dàng, không cần biết là cần thiết hay không cần thiết. Có lẽ bởi trong suốt cả quá trình thực hiện, những dự thảo nghị định này đều do các chuyên viên, các vụ trưởng vụ pháp chế hoặc một số thứ trướng đảm nhiệm.

Trong câu chuyện này, thực sự cần các bộ trưởng quan tâm, nếu các bộ trưởng không quan tâm thì không thể làm được. Bộ trưởng cần phải hiểu, phải lắng nghe, phải cảm nhận được cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý, cái gì là thuận lợi, cái gì là rào cản! Điều đó đòi hỏi các bộ trưởng phải nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, phải có tinh thần vì DN.

Hiện tại, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều đồng thuận rằng phải loại bỏ tất cả những rào cản, những ĐKKD bất hợp lý, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh, cho DN phát triển… nên các bộ trưởng gần như là mắt xích quyết định sự thành bại của công cuộc này. Các bộ trưởng là những mắt xích cực kỳ quan trọng để triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp