Lo Việt Nam thành bãi thải công nghệ của Trung Quốc
(Dân trí) - Tại Hội nghị tổng kết 30 năm đổi mới kinh tế Việt Nam do Viện Kinh tế tổ chức mới đây, các nhà khoa học chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có hành động để hạn chế nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, đặc biệt tránh nguy cơ trở thành bãi rác “công nghệ phế liệu” của nước này.
Hội nhập nhưng nhiều ngành và doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đa dạng hóa thị trường nguyên liệu, nhập từ hàng hóa phổ thông, đơn giản cho đến phức tạp, từ nguyên liệu đầu vào cho đến máy móc, công nghệ...đều phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu vẫn từ thị trường Trung Quốc.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc của Việt Nam ngày càng lớn. Đáng lo ngại nhất là các loại máy móc, thiết bị cũng được nhiều doanh nghiệp “ưu tiên” nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ, thủ tục nhanh gọn và chiết khấu cao...
“Sau nhiều năm, chúng ta càng thấy rõ nhập siêu từ Trung Quốc đang lớn và rất đáng lo. Việt Nam xuất khẩu đi cả thế giới, nhiều thị trường xuất siêu gần 20 tỷ USD nhưng số tiền ấy lại phải bỏ đi để nhập khẩu từ Trung Quốc. Bao giờ Việt Nam thôi lấy xuất khẩu cả thế giới để bù nhập khẩu từ Trung Quốc đây?”, TS Trần Đình Thiên trăn trở.
Có cùng mối lo ngại này, G.S Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần có tư duy mới và cách làm mới để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc nhằm tránh trở thành thị trường nhập khẩu công nghệ phế thải của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi quy mô nền kinh tế và thay đổi môi hình phát triển từ chiều rộng, tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, công nghệ cũ, lao động giá rẻ… sang tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Vì vậy, máy móc cũ, nhà xưởng cũ sẽ bị thải loại. Đường đi của các loại máy móc, thiết bị này sẽ là các nước đang và kém phát triển, các nước nhận viện trợ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cảnh tỉnh và kiểm soát chặt chẽ”, GS Thái nói.
Theo TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương: Thông qua đầu tư FDI, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đưa các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường vào nước ta. Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư khá nhiều vào sản xuất dệt may tại Việt Nam, đặc biệt là khâu sợi để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam
Ngoài dệt may, một số ngành công nghiệp nặng như xi măng, luyện phôi thép hay gần đây là công nghiệp công nghệ thông tin cũng phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc dây chuyền từ Trung Quốc.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự mở rộng đầu tư vào dệt may của Trung Quốc không thể ngăn cản được. Tuy nhiên, chúng ta phải xiết chặt quản lý môi trường, công nghệ và áp dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ thương hiệu ngành và thương hiệu quốc gia.
Hiện, sau 9 tháng đầu năm 2015, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 21,3% về tỷ trọng và tăng 4,3 tỷ USD về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 43 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là khoảng 28 tỷ USD.
Nguyễn Tuyền