Lo ngại nguy cơ nhà máy xi-măng Việt lọt vào tay nước ngoài

(Dân trí) - Trong tình thế khó khăn của ngành xi măng, Hội VLXD kiến nghị không để các Tập đoàn xi măng nước thôn tính các nhà máy xi măng lớn có lợi thế cạnh tranh, công nghệ tiên tiến, có địa thế ảnh thưởng tới an ninh quốc gia…

Sau khi họp thường niên mở rộng năm 2013 của ngành xi măng, Hội VLXD đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và bộ Xây dựng.
 
Đầu tư tràn lan
 
Theo Hội VLXD do khủng hoảng kinh tế tài chính trong những năm qua, nhu cầu xi măng nội địa trong ba năm 2011 - 2013 ước tính sẽ giảm khoảng 14 - 15 triệu tấn, đến năm 2015 nhu cầu ước tính khoảng 60 - 65 triệu tấn (quy hoạch dự báo 75 - 76 triệu tấn).
 
Trước nhu cầu thực tế đã giảm mạnh trong khi các dự án xi măng vẫn đang tiếp tục nở ra, theo tính toán của Hội nầy nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg thì đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt 94,24 triệu tấn, sẽ thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên đến 129,5 triệu tấn, sẽ thừa trên 40 triệu tấn công suất.
 
Bởi vậy, Hội VLXD đề nghị cương quyết cắt bỏ, điều chỉnh lại danh mục các dự án cho phù hợp với tình hình phát triển của thị trường; đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý thực hiện, thống nhất quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
 
Làn sóng nước ngoài thông tính DN xi-măng Việt
Trong nhiều năm qua hàng loạt nhà máy xi măng được hình thành dẫn khủng hoảng thừa khi thị trường xây dựng lâm vào khó khăn
 
Theo Hội VLXD cả nước hiện còn 9 dự án chuẩn bị đầu tư, đề nghị không tiếp tục đầu tư, đưa ra khỏi quy hoạch. Đồng thời xem xét lại 9 dự án xi măng lò quay công suất 2500 tấn clanhke/ngày, dự kiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2030, có công nghệ trung bình, không còn phù hợp với sự phát triển của ngành xi măng hiện đại đến năm 2030.
 
Ngoài ra, theo tổ chức liên kết doanh nghiệp của doanh nghiệp này hiện nay còn tồn tại các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, đã cấp phép nhiều năm vẫn chưa xây dựng nên rút giấy phép như xi măng An Phú - Bình Phước, Minh Tâm - Bình Phước, Đô Lương - Nghệ An, Long Thọ 2 - Thừa Thiên - Huế (nhà máy đặt trên mỏ đá vôi), Nam Đông - Thừa Thiên Huế, Trường Thịnh - Quảng Bình...
 
Lo nước ngoài thôn tính
 
Theo Hội VLXD, trước tình thế khó khăn của ngành xi măng vì sản xuất dư thừa không tiêu thụ được như hiện nay thì việc cần làm gấp là tái cấu trúc doanh nghiệp xi măng. Hội này đưa ra thực trạng nhiều doanh nghiệp không có năng lực quản lý, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ đã phá sản và bên bờ vực phá sản; cần sớm hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn của Việt Nam, đủ sức mạnh cạnh tranh, làm chủ thị trường xi măng Việt Nam.
 
“Hiện nay có 46 công ty sản xuất kinh doanh xi măng, lắm thương hiệu, lắm đầu mối (chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam- Vicem có công suất hơn 20 triệu tấn/năm)...Bởi vậy, cần sớm hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn của Việt Nam, đủ sức mạnh cạnh tranh, làm chủ thị trường xi măng Việt Nam”, Chủ tịch Hội VLXD Trần Văn Huynh nêu thực trạng và đề xuất giải pháp.
 
Đáng lưu ý, trong bản nghị kiến nghị dài này Hội VLXD lo ngại các doanh nghiệp xi măng đang làm ăn đang bên bờ vực phá sản có thể bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính.
 
Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp khó khăn phải bán dự án cho DN nước ngoài như  xi măng Chinfon và XM Thăng Long đã bán cho Tập đoàn Semen Gresik Indonesia bao gồm cả dự án XM Thăng Long mở rộng và dự án xi măng An Phú - Bình Phước. Theo thống kê của Hội VLXD, hiện nay các công ty có vốn FDI chiếm đến 33% công suất toàn ngành.
 
Bởi vậy, trong bối cảnh khốn khó này Hội VLXD cảnh báo các nhà máy xi măng sẽ tiếp tục bị các doanh nghiệp nước ngoài thôn tính có thể tác động tới môi trường và an ninh biên giới.
 
Cụ thể hơn về mối lo này, Chủ tịch Hội VLXD nói: “Vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia nên cần tránh hiện tượng đem bán cho nước ngoài. Nhất là các dự án nằm ở vùng nguyên liệu đá vôi hiếm như ở vùng Đông Nam bộ, ở vùng biên giới liên quan đến an ninh quốc gia”.
 
T.Chí