Lo ngại dòng tiền chỉ tập trung vào trái phiếu Chính phủ

(Dân trí) - Đồng tình với đề nghị phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, song theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Dù nợ công chưa vượt giới hạn nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn.

“Cảnh báo” khả năng huy động và trả nợ

Chính phủ vừa trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 và đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP).

Song Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.

Bởi theo Ủy ban TCNS, khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8 - 9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư.

Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%; theo đó, tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển.

Cùng với đó, Ủy ban TCNS cũng báo động về “khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn”. Ủy ban TCNS yêu cầu Chính phủ cần đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 - 2016 có vượt các quy định về các tỷ lệ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ” và theo thông lệ quốc tế thì số nợ phải trả hàng năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hàng năm. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

Cần bố trí vốn theo trật tự ưu tiên

Bàn về danh mục đầu tư vốn TPCP, Ủy ban TCNS cơ bản đồng tình với mức phân bổ cho các dự án thuộc các lĩnh vực như đề xuất của Chính phủ, nhưng có đề nghị bố trí vốn theo trật tự ưu tiên. Thống nhất với các dự án thuộc QL1A và QL14, nhưng qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, tiểu dự án, đặc biệt các dự án bố trí dự phòng lên đến gần 50% tổng giá trị xây lắp.

Đồng thời, Ủy ban TCNS kiến nghị Chính phủ phải bảo đảm về tiến độ, thời gian thực hiện và chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đề nghị tính toán lại mật độ các trạm thu phí và có phương án xử lý trong trường hợp các chủ dự án BOT thiếu vốn không đảm bảo được tiến độ cùng với các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP.

Ủy ban TCNS cũng cơ bản nhất trí việc bố trí cho các dự án đã có trong danh mục vốn TPCP giai đoạn 2011 - 2015 nhưng còn thiếu vốn: bố trí vốn tập trung cho các dự án dở dang, thiếu vốn, có khả năng hoàn thành trong năm 2014, 2015; trong đó, ưu tiên cho các dự án còn thiếu vốn để hoàn thành, các dự án bệnh viện, thủy lợi quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế của cả vùng và địa phương.

Ủy ban TCBS đề nghị loại bỏ và kiên quyết không bố trí vốn bổ sung cho 203 dự án thuộc diện giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư mà Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất; không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô, tăng giá, điều chỉnh kỹ thuật bất hợp lý. Đề nghị Chính phủ đảm bảo tính cân đối giữa các địa phương, vùng, miền, tránh tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng về tổng mức đầu tư.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ bố trí 15.000 tỷ đồng trong 3 năm (từ 2014 – 2016) cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và cho rằng, do nguồn vốn bố trí từ ngân sách tập trung không đảm bảo nên đây là nhiệm vụ mới của Chương trình TPCP và do hiệu ứng lan tỏa của Chương trình đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tuy nhiên, do TPCP là nguồn vốn vay, đầu tư cho các dự án thực sự cấp bách, nên Ủy ban TCNS đề nghị không bố trí dàn trải cho tất cả các xã, chỉ bố trí cho các dự án giao thông, thủy lợi của chương trình Xây dựng nông thôn mới thuộc các huyện nghèo ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, huyện 30a, xã 135.

Về vốn đối ứng cho các dự án ODA, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng ý bố trí 20.000 tỷ đồng trong 3 năm 2014 - 2016 và cho rằng, việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách tập trung hàng năm không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các dự án ODA, nhất là hiện nay các nhà tài trợ yêu cầu nâng tỷ lệ đối ứng lên cao trong những năm gần đây nên đây cũng là nhiệm vụ mới của Chương trình trái phiếu Chính phủ.

Nguyễn Hiền