1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Lỗ nặng vì Covid-19, cổ phiếu Vietnam Airlines và Petrolimex bị cắt margin

Mai Chi

(Dân trí) - Với việc kinh doanh nửa đầu năm nay thua lỗ theo báo cáo tài chính bán niên soát xét, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và PLX của Petrolimex đều không được giao dịch ký quỹ.

Bị dừng giao dịch ký quỹ do thua lỗ

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) vừa thông báo đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng là số âm.

Với Vietnam Airlines, đây là lần thứ hai doanh nghiệp bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ trong năm nay. Trước đó, trong quý 2/2020, HVN từng bị cắt margin với lý do báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2019 được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Lỗ nặng vì Covid-19, cổ phiếu Vietnam Airlines và Petrolimex bị cắt margin - 1

Với diễn biến dịch Covid-19, Vietnam Airlines và ngành hàng không gặp khó trong năm nay (ảnh: VNA)

Ở báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2020 soát xét lần này của Vietnam Airlines, đơn vị kiểm toán là Deloitte Việt Nam đã lưu ý người đọc, tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của tổng công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 18.444 tỷ đồng. Nửa đầu năm, tổng công ty lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ đồng. Lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 6.559 tỷ đồng.

Khả năng hoạt động liên tục trong 12 tháng tới sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.

Những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Còn với Petrolimex, báo cáo tài chính soát xét bán niên của tập đoàn này cho thấy, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh không biến động nhiều so với báo cáo tự lập, nhưng lỗ sau thuế hợp nhất lại giảm 387,44 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 692,54 tỷ đồng (con số tự lập là 1.079,98 tỷ đồng).

Nguyên nhân được lý giải là do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng gần 400 tỷ đồng.

Lỗ phân bổ cho cổ đông công ty mẹ Petrolimex trong kỳ là 816,07 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 2.381,72 tỷ đồng).

Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu HVN giảm giá 1,7% xuống còn 25.950 đồng/cổ phiếu và PLX cũng giảm 0,19% còn 52.000 đồng sau 3 phiên liên tăng giá.

VN-Index chinh phục 900 điểm

Những diễn biến trên thị trường quốc tế đã ảnh hưởng đến chứng khoán trong nước vào sáng nay (4/9). Các chỉ số diễn biến dưới đường tham chiếu, tuy nhiên, điều tích cực là không xảy ra tình trạng bán tháo, dòng tiền tương đối ổn định.

VN-Index giảm 4,51 điểm tương ứng 0,5% còn 899,46 điểm, có dấu hiệu hồi phục sau khi đã mất hơn 10 điểm trong phiên xuống vùng 894 điểm. HNX-Index cũng mất 1,39 điểm tương ứng 1,11% còn 124,66 điểm. UPCoM-Index mất 0,17 điểm tương ứng 0,29% còn 58,8 điểm.

Do không còn giao dịch thoả thuận đột biến như hôm qua nên thanh khoản trên HSX sáng nay lùi về 3.830,96 tỷ đồng với 211,85 triệu cổ phiếu giao dịch; trên HNX là 30,98 triệu cổ phiếu tương ứng 360,43 tỷ đồng và trên UPCoM là 24,89 triệu cổ phiếu tương ứng 179,81 tỷ đồng.

Trong sáng nay, bức tranh thị trường chuyển sang sắc đỏ là chủ đạo. Theo thống kê, có 486 mã giảm, 41 mã giảm sàn so với 247 mã tăng, 56 mã tăng trần.

Trái ngược với những phiên trước, nhóm vốn hoá lớn sáng nay có ảnh hưởng không mấy tích cực đến VN-Index. Bằng chứng là rổ Vn30 giảm mạnh hơn VN-Index. Chỉ số VN30-Index đánh mất 5,95 điểm tương ứng 0,71%.

Trong đó, VCB và VIC lần lượt tác động 0,83 điểm và 0,66 điểm tới VN-Index. GAS, BID, GVR cũng kéo giảm chỉ số.

Ngược lại, BCM vẫn kiên trì tăng trần bất chấp thị trường bị thử thách trước ngưỡng 900 điểm. Mã này tăng trần lên 41.100 đồng và là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp 0,77 điểm cho VN-Index. VRE, VHM, SAB, CTG cũng có ảnh hưởng tích cực nhưng mức tác động không lớn.

Trong bối cảnh đó, HPG và ITA là những mã có giao dịch sôi động nhất. HPG đứng tham chiếu, khớp lệnh 8,88 triệu đơn vị còn ITA cũng khớp hơn 6 triệu cổ phiếu, tăng giá lên 4.400 đồng.

Với lực cầu như hiện tại, nhiều khả năng thị trường có thể sẽ phục hồi vào phiên chiều nay. Trước khi vào phiên giao dịch này, BVSC cũng đã dự đoán rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, BVSC lưu ý nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã bước vào trạng thái quá mua nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh đan xen trong quá trình tăng điểm.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì tỷ trọng ở mức 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường tại vùng kháng cự 905- 920 điểm để bán trading giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.