1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lỗ lũy kế 1,5 tỷ USD, Vietnam Airlines tính bán bớt vốn tại một công ty con

Ghi Du

(Dân trí) - Vietnam Airlines muốn bán một phần vốn tại Skypec, doanh nghiệp giữ thị phần cung cấp nhiên liệu hàng không lớn nhất Việt Nam. Động thái được cho là nằm trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa có thư mời thầu cấp dịch vụ tư vấn lập, triển khai phương án chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec).

Thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá, cung cấp gói dịch vụ trên là cuối ngày 8/2. Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm tư vấn cho Vietnam Airlines lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn tại Skypec.

Skypec, tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam, được thành lập năm 1993 và hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV từ tháng 7/2010. Công ty có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, do Vietnam Airlines là chủ sở hữu. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Skypec.

Lỗ lũy kế 1,5 tỷ USD, Vietnam Airlines tính bán bớt vốn tại một công ty con - 1

Skypec đóng góp tỷ trọng doanh thu lên đến 30% cho Vietnam Airlines thời điểm trước dịch Covid-19 (Ảnh: Skypec).

Hiện Skypec giữ thị phần cung cấp nhiên liệu hàng không lớn nhất Việt Nam. Đơn vị này cung cấp nhiên liệu cho tất cả hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng ở Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc như Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways…

Skypec được giới thiệu là có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm.

Kế hoạch bán vốn tại Skypec được cho là nằm trong Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có văn bản gửi Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu doanh nghiệp này nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 có lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 10.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm 34.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nghị định 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 nêu rõ: "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm