“Lộ diện” 3 đại gia ngân hàng cho vay BOT lớn nhất hệ thống

(Dân trí) - Chỉ tính riêng 3 ngân hàng là BIDV, VietinBank, SHB đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm gần 86%, dư nợ chiếm 85% so với toàn ngành.

Trong báo cáo về kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng ở các dự án BOT giao thông mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định hiện tổng mức đầu của các dự án BOT đường bộ có khoảng 85-90% vốn tài trợ của ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều vấn đề về gian lận thu phí, kéo dài thời gian thu phí đang khiến ngành ngân hàng phải đứng trước nhiều rủi ro.

NHNN cảnh báo: Bộ GTVT đã triển khai một số trạm thu phí không dừng, tuy nhiên thực tế có từ 4 - 6 cửa thu nhưng chỉ 1-2 cửa thực hiện
NHNN cảnh báo: Bộ GTVT đã triển khai một số trạm thu phí không dừng, tuy nhiên thực tế có từ 4 - 6 cửa thu nhưng chỉ 1-2 cửa thực hiện

Theo NHNN, từ năm 2014 đến nay, cam kết cấp tín dụng, dự nợ tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT có mức tăng trưởng cao. Tính đến ngày 30/6, tổng mức cam kết cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại với các dự án BOT, BT giao thông là 159.200 tỷ đồng, tổng số dư cấp tín dụng là hơn 83.600 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2015.

Chỉ tính riêng 3 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm gần 86%, dư nợ chiếm 85% so với toàn ngành. Việc tăng trưởng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn còn điều khó khăn, vướng mắc và rủi ro tiềm ẩn.

Bà Phạm Thị Vân Anh, đại diện của NHNN chỉ rõ, thực tế các dự án BOT hiện nay, ngân hàng khi cho vay nhưng năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án.

Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư, làm ảnh hưởng đến hiệu quả dự án và khó khăn trong tìm nguồn vốn bổ sung.

Theo NHNN, hiện trong tổng số 150 dự án BOT, BT, có khoảng 22 dự án chậm tiến độ, dư nợ cấp tín dụng hiện vào khoảng hơn 11.100 tỷ đồng, nguyên nhân là do giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư hoặc không đủ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án.

Mặt khác, tài sản đảm bảo cho dự án BOT, BT chủ yếu từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, nợ xấu cao nếu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong việc thu hồi vốn, xử lý tài sản đảm bảo.

Theo bà Vân Anh, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, có nhu cầu vốn dài hạn và thời gian thu vốn dài (20-25 năm) trong đó chủ yếu nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

“Việc cho vay với lượng lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, khiến rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng khi số lưu lượng phương tiện trước khi dự án phê duyệt thấp hơn nhiều so với khi dự án hoàn thành. Lúc đó ngân hàng hoặc là đứng ra thu sẽ rất khó khăn”, bà Vân Anh nói.

Đại diện NHNN đề nghị, các cơ quan chức năng khi phê duyệt cần thẩm định chặt chẽ các dự án BOT giao thông, đặc biệt là tổng mức đầu tư, nguồn thu phí và thời gian hoàn vốn của dự án. Đây chính là cơ sở đảm bảo cho việc thu hồi vốn của dự án, giảm rủi ro mất vốn hoặc nợ xấu trong tương lai.

Cũng theo lưu ý của NHNN, Bộ GTVT đã triển khai một số trạm thu phí không dừng, tuy nhiên thực tế có từ 4 - 6 cửa thu nhưng chỉ 1 - 2 cửa thực hiện, còn lại vẫn áp dụng thu phí bằng tay. Để đảm bảo tính minh bạch, công khai giảm thất thoát tham nhũng, NHNN yêu cầu các trạm được triển khai thu phí không dừng có cam kết vốn với các ngân hàng phải áp dụng thu phí không dùng toàn bộ, kết hợp với dịch vụ của ngân hàng để đảm bảo nguồn thu công khai.

Nguyễn Tuyền