Lờ đi thông tin vỡ nợ, Venezuela vẫn hứa sẽ trả nợ đủ
(Dân trí) - Chính phủ Venezuela vẫn hứa và quả quyết rằng họ đang trả nợ một cách có trách nhiệm, ngay cả khi hai công ty uy tín thế giới tuyên bố nước này vỡ nợ và gây ra nạn đói, bệnh tật triền miên.
Theo tờ Nasdaq, Ủy ban đàm phán của Tổng thống Nicolas Maduro đã có cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư tại Thủ đô Caracas hôm 13/11 vừa qua nhưng không đưa ra được đề xuất giải quyết vấn đề các khoản nợ nước ngoài của Venezuela trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có.
Mặc dù việc trả nợ vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn tới, các nhà đầu tư cho rằng việc phát hành thêm 60 tỷ USD trái phiếu trong kế hoạch tái cơ cấu có khả năng gây ra các vụ kiện chồng chéo và làm sâu sắc thêm tình hình kinh tế đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, Business Insider đưa tin.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Venezuela, ông Jorge Rodriguez cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã bắt đầu trả lãi suất đối với khoản nợ nước ngoài của Venezuela”.
Về phát ngôn này, tờ Nasdaq cho rằng, dường như ông Rodriguez đang đề cập tới việc trả khoản lãi suất 200 triệu USD bằng trái phiếu của Venezuela.
Theo nhiều nguồn tin khác, các quan chức Chính phủ coi buổi họp về các khoản nợ của Venezuela hôm 13/11 là hành động khởi đầu cho quá trình đàm phán nợ mà ông Maduro công bố hồi đầu tháng này.
Theo các chuyên gia, 100 người tham gia cuộc họp này gồm chủ sở hữu trái phiếu từ Venezuela, Hoa Kỳ, Panama, Anh, Colombia, Chile, Nhật Bản và Argentina.
“Việc bắt đầu tái cấp vốn nợ của chúng tôi đã được phê chuẩn, như chúng tôi đã làm với tất cả nghĩa vụ của chúng tôi”, Chính phủ Venezuela nói thêm.
Hội đồng Lập hiến Venezuela, một cơ quan lập pháp đầy quyền lực được thành lập vào tháng 8 vừa qua mặc dù có sự lên án phe đối lập và cộng đồng quốc tế, nhưng hôm 14/11 cũng đã thông qua một nghị quyết “ủng hộ và đồng hành cùng quá trình tái cấp vốn”.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói rằng thực tế, không hề có quá trình như vậy. Họ nói rằng chính phủ Venezuela đã không có kế hoạch tài chính cụ thể, và rằng bất kỳ kế hoạch nào cũng có thể bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Theo đó, các lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đáp trả lời buộc tội rằng chính phủ Maduro đã phá hoại nền dân chủ và vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, cũng ngăn cản các công dân Hoa Kỳ mua khoản nợ mới phát hành của Venezuela.
Điều này làm cho Venezuela không thể thực hiện được việc tái cấp vốn một cách hiệu quả bởi các hoạt động này dựa vào các giao dịch hoán đổi, trong đó các nhà đầu tư dùng ngoại tệ để mua trái phiếu mới phát hành của Venezuela.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt này cũng ngăn chặn mọi giao dịch của Venezuela với hàng chục quan chức trong một danh sách đen, bao gồm Phó Tổng thống Tareck El Aissami và Bộ trưởng Kinh tế Simon Zerpa, hai lãnh đạo chính của Ủy ban Đàm phán nợ.
Về phía mình, Venezuela đã bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc các quan chức của họ buôn bán ma túy và tham nhũng như Washington đã tuyên bố và mô tả các lệnh trừng phạt như là một hành động quá đáng của Chính phủ Trump.
Theo Business Insider, 4 năm hứng chịu suy thoái kinh tế khi là thành viên OPEC Nam Mỹ, cộng thêm sự thất bại của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và sự sụt giảm của giá dầu thế giới, đã làm ảnh hưởng đến người dân Venezuela.
Theo đó, nhiều người dân bỏ bữa ăn hoặc bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh do thiếu lương thực, thuốc men hoặc vì họ không có khả năng chi trả do lạm phát đã lên đến ba chữ số.
Hồng Vân (Tổng hợp)