1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lỗ 971 tỷ đồng, Vietjet vẫn là “điểm sáng” trong đại dịch Covid-19?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Kết quả hợp nhất quý 3 Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020, ghi nhận doanh thu từ dịch vụ vận tải hàng không tăng so với quý 2/2020, bất chấp đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam.

Với hoạt động chính là vận tải hàng không bị tác động lớn bởi dịch Covid-19, báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 2.802 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 926 tỷ đồng.

Kết quả hợp nhất quý 3 cũng ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và rất khả quan so với các hãng hàng không trong nước và trên thế giới.

Tổng tài sản hơn 45.269 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 16.329 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền là 2.299 tỷ đồng. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức tốt 1,14 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ có 0,74 lần.

Lỗ 971 tỷ đồng, Vietjet vẫn là “điểm sáng” trong đại dịch Covid-19? - 1
Lỗ 971 tỷ đồng, Vietjet vẫn là “điểm sáng” trong đại dịch Covid-19?

Tỷ lệ nợ vay hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, nhờ vậy, Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn với chi phí thấp để tăng cường nội lực tài chính. Bên cạnh đó, dòng tiền có sự cải thiện tích cực nhờ khôi phục hoàn toàn các đường bay nội địa.

Kết quả hoạt động quý 3, Vietjet đã khai thác được 15.000 chuyến bay an toàn, phục vụ hơn 3 triệu lượt khách tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, hãng cũng thực hiện các chuyến bay quốc tế, đưa 7.440 công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Brunei, Philippines… hồi hương, tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế và nhà chức trách hàng không. 

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam và một số nước đang được kiểm soát tốt, Vietjet khẩn trương mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan)…

Được biết, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng đã góp phần giảm áp lực cho các hãng hàng không. Các hãng hàng không được giảm 50% chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay, giúp các hãng tiết kiệm chi phí. Khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm thuế môi trường nhiên liệu bay và giảm phí phục vụ mặt đất, hạ cất cánh kéo dài đến hết năm 2021 và thực hiện chương trình cho vay ưu đãi.

Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều hãng trên thế giới cho thấy đều có sự giảm sút lớn. Cụ thể: American Airlines (Mỹ) ghi nhận doanh thu quý 3 là 3,2 tỷ USD, giảm 73% so với cùng kỳ.  Hãng Southwest (Mỹ) ghi nhận doanh thu quý 3 là 1,8 tỷ USD, giảm 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Hãng British Airways (Anh) cho biết đã cắt giảm một lượng lớn các chuyến bay và đóng băng hầu hết các hoạt động khai thác.

Các chuyên gia nhận định quý 3 là mức đáy trước khi ngành hàng không thế giới sẽ bắt đầu hồi phục từ quý 4 năm nay. Trong khi đó, thị trường nội địa Việt nam đã trở lại hoàn toàn và với việc chuẩn bị tốt mọi nguồn lực, bên cạnh năng lực tổ chức kinh doanh tốt mô hình hàng không chi phí thấp.