Lính truyền tải điện “chia nóng” với người dân cả nước

Những ngày qua, nắng nóng bao trùm khắp các tỉnh thành trên cả nước khiến nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Công suất tiêu thụ đạt ngưỡng cực đại. Các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp luôn làm việc trong tình trạng tải nặng và có nhiều thời điểm đã vượt định mức cho phép.

Tính trong 10 ngày đầu tháng 6/2017, công suất truyền tải qua Trạm biến áp 500 kV Pleiku và Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 do TTĐ Gia Lai quản lý đạt cực đại 2.106.499.476 kWh. Trong đó công suất truyền qua phía 500 kV đạt 1.355.550.637 kW, công suất truyền qua phía 220 kV đạt 716.732.570 kW, công suất truyền qua phía 110 kV đạt 34.216.268 kW, tăng hơn 10% so với tuần trước và tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là giai đoạn vận hành căng thẳng nhất của hệ thống điện. Để góp phần cho hệ thống vẫn đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và đảm bảo cung cấp đủ điện để mọi người dân giải nhiệt trong những ngày cao điểm nắng nóng này, những người lính TTĐ Gia Lai đang phải căng mình ra trên khắp các điểm nóng của lưới điện để canh cho dòng điện được tuôn chảy không ngừng.

Tại các Đội quản lý vận hành đường dây của TTĐ Gia Lai, chỉ có một nhóm ít CBCNV đang ứng trực tại cơ quan, quân số còn lại đang “canh giữ trên tuyến đầu” tại các vị trí xung yếu trên tuyến và các khu đông dân cư, nơi có đường dây truyền tải điện đi qua. Vừa dọn dẹp hành lang lưới điện phòng chống cháy, vừa kiểm tra, giám sát việc đốt các phụ phẩm nương rẫy cũng như tuyên truyền, vận động bà con, các cháu thiếu niên, nhi đồng cùng giữ gìn, bảo vệ hành lang lưới truyền tải điện, đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn.


Đi phát tuyến

Đi phát tuyến

Tại phòng điều khiển của Trạm biến áp 500 kV Pleiku cũng như Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, không khí làm việc nghiêm trang, có phần căng thẳng. Các tín hiệu điện xanh đỏ chớp nháy liên tục trên các thiết bị điều khiển, đo lường. Có nhiều thời điểm, những tiếng cảnh báo: tải cao, quá tải tại ngăn lộ A, ngăn lộ B... được phát ra từ hệ thống giám sát thiết bị.

Thỉnh thoảng tiếng chuông điện thoại vang lên, đó là các mệnh lệnh từ điều độ viên hệ thống điện Quốc gia, điều độ miền truyền xuống. Các nhân viên vận hành ai nấy đều chú tâm cao độ, theo dõi sự làm việc các thiết bị. “Nhất cử, nhất động”, mọi sự biến thiên thay đổi của các thiết bị trong vận hành đều được nhân viên ca trực giám sát chặt chẽ.

Ngoài các thiết bị tự động ra, các nhân viên vận hành còn thường xuyên kiểm tra tại chỗ bằng ống nhòm, bằng máy đo tầm soát nhiệt, nhằm phát hiện các điểm phát nóng cục bộ hay các trục trặc khác của thiết bị làm việc trong tình trạng tải nặng. Nhằm nâng cao tính chủ động trong vận hành, đảm bảo cho các thiết bị làm việc an toàn trong mọi phương thức vận hành của hệ thống.


​Đo tầm soát nhiệt tại Trạm

​Đo tầm soát nhiệt tại Trạm

Theo ông Đinh Văn Cường – Giám đốc TTĐ Gia Lai: Thời kỳ cao điểm mùa khô luôn là giai đoạn áp lực vận hành của đường dây và các trạm biến áp lớn nhất. Hệ thống lưới điện làm việc căng như dây đàn và luôn “nóng”, lúc này đòi hỏi người vận hành phải dùng “cái đầu lạnh” để luôn minh mẫn, tỉnh táo trong mọi thao tác, xử lý của mình. Năng lực chuyên môn và bản lĩnh của “lính truyền tải” được phát huy trong thời điểm này.

Ngoài những giải pháp, những việc làm cụ thể thực tại như nói ở trên, ngay từ đầu năm cũng như trước khi mùa nắng nóng cao điểm đến, đơn vị đã xây dựng kỹ lưỡng những phương án quản lý, vận hành lưới điện do đơn vị quản lý, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, vật tư dự phòng, sẵn sàng ứng phó với những tình huống cho dù cực đoan nhất.

Quyết tâm vượt qua mọi trở ngại của thời tiết để đảm bảo cho lưới điện được vận hành an toàn, góp phần cung cấp điện liên tục phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và đời sống nhân dân. Đây là cách những người “lính truyền tải điện” chúng tôi chia nóng với người dân trong mùa hè oi bức này.

Theo Trịnh Văn Hải/VPN