Liều "vắc xin" đặc trị cho "sức khỏe" nền kinh tế Việt Nam 2021
(Dân trí) - Việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng thế nào trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào việc toàn cầu khống chế Covid-19 ra sao.
Hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2021
"Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp" là cụm từ mà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) đã nhận định khi nói về tình hình kinh tế năm 2020.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ lụy song kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là "điểm sáng" với tăng trưởng dương (2,91%) trong bối cảnh đại dịch đang thách thức toàn cầu năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao khi bước sang năm mới 2021 - khi mà "bóng đen" Covid-19 vẫn đang bao trùm toàn cầu?
Một điểm được đánh giá là tích cực, đó là hàng loạt các tổ chức kinh tế thế giới đều nhận định kinh tế Việt Nam sẽ mau chóng hồi phục trong năm mới.
Trong đó, Q ũy tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng GDP Việt Nam có thể sẽ tăng 6,7% trong năm 2021; còn WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo.
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng ra sao trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào việc toàn cầu có khống chế được Covid-19 không.
Các dự báo của các tổ chức thế giới cũng được đưa ra dựa trên giả định rằng, khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát.
"Nhiều nước đã có vắc xin, nhưng liệu vắc xin được tiêm mức độ khả năng kiểm soát ra sao, có lo ngại chủng mới xuất hiện hay không là những lo ngại "đe dọa" tăng trưởng kinh tế cả thế giới, không riêng gì Việt Nam" - ông Minh nói và đưa ra hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, nếu vắc xin) hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát quy mô toàn cầu thì tăng trưởng sẽ ở mức khả quan với 6,8-7%. Ông Minh cho rằng với những động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam thì việc có những bứt phá trong GDP năm tới là hoàn toàn có thể.
Kịch bản thứ hai (xấu hơn), ông Minh cho rằng khi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ "hứng" chịu nhiều tiêu cực, sẽ có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh rơi vào cảnh phá sản.
Những thách thức năm 2021
TS. Trần Sĩ Chương - chuyên gia kinh tế - cho biết có nhiều tổ chức đã nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021, tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan mà cần thận trọng khi đánh giá về sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế trong năm 2021.
"Việt Nam đã là nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên khi bất kỳ quốc gia, nền kinh tế nào bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19, có quốc gia phục hồi nhanh hơn, có quốc gia phục hồi chậm hơn, song "đoàn tàu" kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng" - ông Chương nói.
Theo ông Chương, năm 2021, Việt Nam sẽ đối mặt với những hệ lụy xã hội lớn và âm ỉ, vấn đề thất nghiệp, việc làm, bất ổn xã hội. Nếu chúng ta không nhìn xa, không chuẩn bị, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tự động hóa thì những bất ổn trong vấn đề việc làm sẽ gây những hệ lụy rất lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho rằng 2021 sẽ là năm với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn còn bị "đe dọa" bởi dịch bệnh Covid-19, thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đeo đẳng, gây sức ép tới nền kinh tế toàn cầu…. Doanh nghiệp, doanh nhân cần phải chuẩn bị cho hành trình mới.
Theo vị này, một điểm sáng đầy hy vọng, đó là "ba chân kiềng" trong "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững. Đây sẽ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam có khả năng bứt phá.
Trong khi đó, điều khiến chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh lo ngại ở nền kinh tế quốc tế trong năm mới, đó là nguy cơ khủng hoảng nợ công tiềm tàng. Trong trường hợp xảy ra thì dễ xảy ra những suy thoái ở mức độ toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việt Nam vốn là nền kinh tế mở, nên phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới.
Một trăn trở khác cũng cần được đề cập tới là "mác" thao túng tiền tệ Việt Nam. Theo các chuyên gia, giờ đang là giai đoạn cảnh báo, chưa có các biện pháp trừng phạt. Rất khó đoán điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ra sao. Tuy nhiên, nếu có những biện pháp trừng phạt thì Việt Nam sẽ chịu "cú sốc" không nhỏ bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đưa ra khuyến nghị, ông Đinh Tuấn Minh nói: "Chúng ta có những bài học xảy ra trong quá khứ về sự nguy hiểm khi bất ổn kinh tế. Do vậy ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định có khả năng hồi phục rất nhanh. Nếu có những tác động bên ngoài sẽ ít hơn thì chúng ta sẽ bị ít hơn. Lạm phát nên cố gắng duy trì mức dưới 4%".
Theo TS. Trần Sĩ Chương, doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị cho một quãng đường dài, đánh giá lại việc đầu tư, kinh doanh của mình, nhanh chóng chuyển đổi để tồn tại và phát triển...