Liên bộ sẽ định giá thuê cột điện nếu DN mãi bất hòa
(Dân trí) - 2 ngày nữa, nếu EVN và các doanh nghiệp (DN) viễn thông không đạt được thỏa thuận về giá thuê cột điện thì liên bộ sẽ vào cuộc đưa ra mức giá áp dụng chung. Dù vậy, EVN vẫn yêu cầu được hưởng những ưu đãi đặc biệt trong kinh doanh.
Đó là quyết định sau cuộc họp diễn ra sáng 26/1 giữa 3 Bộ Thông tin &Truyền thông (TT&TT), Công Thương, Tài chính. Quyết định này được đưa ra sau cuộc tranh cãi gay gắt và kéo dài giữa EVN (Tập đoàn Điện lực) và các DN viễn thông, kể từ khi EVN đơn phương tăng giá thuê cột điện gấp 4 - 8 lần so với giá cũ.
Hơn 1 năm qua, “cuộc chiến” về giá giữa các bên đi thuê và cho thuê cột điện vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Nhiều ý kiến cho rằng EVN đòi hỏi quá nhiều nhiều ưu đãi trong kinh doanh (ảnh minh họa).
Sau nhiều động thái hòa giải của các Bộ chủ quản nhưng không đem lại kết quả, ngày 26/1, 3 Bộ đã đưa ra quyết định cứng rắn đối với các DN. Đó là, sau ngày 28/1 nếu các bên không đạt được thỏa thuận, mức giá thuê thuê cột điện sẽ do Nhà nước đưa ra.
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, việc định giá sẽ dựa trên nguyên tắc đây là cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư sử dụng chung nên giá cho thuê sẽ không tính lợi nhuận mà tính theo giá thành và khuyến khích sử dụng chung để đảm bảo sử dụng cơ sở hạ tầng tiết kiệm và an toàn mỹ quan đô thị.
Cũng theo ông Hải, sau 28/1 mà các DN vẫn không đạt được thỏa thuận, 3 Bộ sẽ thống nhất ban hành thông tư liên tịch, về lâu dài là Nghị định của Chính phủ quy định về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Theo nhận định và tính toán của chuyên gia kinh tế, quyết định này sẽ có lợi cho các DN viễn thông vì nhiều khả năng mức giá mà Nhà nước áp dụng chung sẽ không cao như mức giá mà EVN đã đưa ra. Cho đến thời điểm này, EVN khẳng định vẫn đang áp mức giá thuê cột mới.
Nhưng đáng chú ý là trước đó, Tập đoàn này đã có báo cáo và gửi một số kiến nghị lên Bộ TT&TT về vấn đề treo cáp viễn thông trên cột điện như: Giá thuê cột điện phải được tính toán dựa theo mức chi phí mà EVN đã đầu tư ban đầu để xây cột điện, cộng thêm các mức phí khấu hao, phí duy trì, bảo dưỡng…
Ngoài ra, treo cáp lên cột điện phải đảm bảo an toàn cho cột điện, cho người đi đường, tránh trường hợp treo quá nhiều cáp gây nguy hiểm, đổ cột; xử lý nghiêm cáp treo trộm, không được thừa nhận...
EVN cũng khẳng định mức giá mà DN này đưa ra là nhằm trang trải những gánh nặng về chi phí bảo hành, bảo dưỡng cột điện... từ lâu đã phải chịu. Chưa hết, EVN còn đề nghị Bộ TT-TT can thiệp để DN được dùng chung cơ sở hạ tầng của các mạng thông tin di động, nhằm giảm chi phí đầu tư. Nghĩa là các thuê bao của mạng điện lực sẽ được chuyển sóng của các nhà cung cấp khác khi di chuyển trong các vùng không phủ sóng mạng này.
Ngoài việc roaming, EVN còn đề nghị Bộ TT-TT nghiên cứu giảm 50% chi phí kết nối dịch vụ VoIP quốc tế khi phải kết nối tới các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế gồm VinaPhone, Viettel và MobiFone. Theo EVN nếu không có hỗ trợ thì DN không thể có lãi, do lợi nhuận đã phải chi trả gần hết cho cước kết nối dịch vụ VoIP quốc tế.
P. Thanh