Lí do nhà tuyển dụng từ chối những ứng viên tài năng

(Dân trí) - Trong cuộc sống luôn có những nghịch lý nhiều khi khiến người khác bất ngờ và khó chấp nhận. Điển hình như trong tuyển dụng, khi có những trường hợp nhiều ứng viên tài năng với kinh nghiệm và bằng cấp “vượt chuẩn” lại không lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.

Trong khi những người “tầm tầm” lại “vượt sóng” ngoạn mục. Điều này tưởng chừng như vô lý nhưng lại là sự thật, vì nhà tuyển dụng đều có suy nghĩ và lý do riêng. Hãy cùng đi tìm câu trả lời vì sao nhà tuyển dụng phải “đành lòng” từ chối những ứng viên “xuất chúng” nhé.

Trình độ ứng viên vượt mức đòi hỏi của công việc

Với kinh nghiệm và bằng cấp cao đang có, bạn có sẵn sàng chỉ làm những việc bình thường như giải quyết giấy tờ nội bộ, với những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm cũng như cơ hội thăng tiến? Câu trả lời là: Không. Vì thực chất ai cũng có nhu cầu tiến bộ mỗi ngày, người có năng lực sẽ càng có nhiều tham vọng. Chính vì công việc quá dễ dàng, nhàn hạ sẽ khiến họ mau chán. Và tất yếu kết cục là họ sẽ nhanh nhảy việc khiến nhà tuyển dụng nhiều khi phải “điêu đứng” khi lại phải tuyển người khác thay thế. Đây là lí do phổ biến khiến nhà tuyển dụng không tuyển chọn các ứng viên tài năng.

Lí do nhà tuyển dụng từ chối những ứng viên tài năng - 1

Công việc chỉ là chốn dừng chân tạm thời của ứng viên

Như đã đề cập, khi công việc tầm thường, không tương xứng với năng lực tất yếu sẽ gây ra sự nhàm chán. Và quy luật họ sẽ tìm công việc khác tốt hơn. Khi tuyển một ứng viên, nhà tuyển dụng bao giờ cũng muốn tìm một ứng viên gắn bó lâu dài. Chẳng ai chấp nhận tuyển một người ưu tú khi đã thấy được tương lai họ sẽ nghỉ việc sớm. Nhà tuyển dụng sẽ tự hỏi “Vì sao với kinh nghiệm như thế họ lại chọn công việc này? Liệu họ chỉ muốn tìm việc tạm thời để kiếm tiền trang trải cuộc sống? Liệu họ có đang chọn sai đường vì tuyệt vọng trong công việc cũ? Tất cả những nghi ngờ này sẽ khiến nhà tuyển dụng chần chừ trong việc quyết định tuyển dụng ứng viên có trình độ cao.

Lí do nhà tuyển dụng từ chối những ứng viên tài năng - 2

“Liệu họ có chịu dưới quyền sếp ít kinh nghiệm hơn?”

Tuy là vô lý nhưng không có nghĩa là không diễn ra. Nhiều ứng viên có năng lực có thể đã từng làm vị trí trưởng nhóm và vì một lý do nào đó họ nghỉ việc và chấp nhận bắt đầu lại từ đầu với một công việc mới. Có thể việc họ lựa chọn là công việc cũng có cùng chức vị như trước, nhưng lại thuộc dưới quyền một người sếp trẻ tuổi và ít kinh ngiệm hơn. Nghĩ mà xem nếu sếp muốn giao việc cho họ sẽ khó mở lời, vì nhiều khi gây nên sự tự ti trong lòng ứng viên cũng như sẽ ảnh hưởng đến tâm lý điều phối nhân sự của người quản lý.

Không phù hợp với văn hóa công ty

Kinh nghiệm và bằng cấp chưa chắc chứng minh 100% bạn phù hợp với công việc công ty đang ứng tuyển. Ví dụ điển hình là công ty quá năng động, phù hợp cho những người trẻ đam mê học hỏi, thích khám phá… nhưng ứng viên “xuất chúng” trên đã quá tuổi, lại có tính khá cứng nhắc và nguyên tắc. Mặc dù dày dặn kinh nghiệm trong công việc, song nhà tuyển dụng nhận thấy mức độ hòa nhập và tiếp thu của ứng viên tài năng không phù hợp để cùng tạo môi trường làm việc thoải mái và tốt nhất.

Lí do nhà tuyển dụng từ chối những ứng viên tài năng - 3

Thái độ không đúng mực

Nhà tuyển dụng sẽ tự hỏi vì sao với năng lực và kinh nghiệm đang có nhưng ứng viên vẫn phải ngày ngày “rải” CV tìm công việc. Phải chăng vì đạo đức, thái độ họ có vấn đề? Điều này không thể đánh giá qua một vài phút phỏng vấn, trò chuyện cùng ứng viên. Vì vậy nếu có nghi ngờ, nhà tuyển dụng có thể chủ động tìm kiếm thông tin cần biết từ những nguồn tham khảo của ứng viên, có thể là sếp trước đây của họ, là những đồng nghiệp cũ hoặc trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội để có cái nhìn sơ nét. Năng lực là cần thiết, nhưng đạo đức cũng là yếu tố quan trọng để lọt vào “tầm ngắm” của những nhà tuyển dụng có tâm.

Khi từ chối một ứng viên, nhất là ứng viên tài năng, nhà tuyển dụng đã suy nghĩ rất kỹ. Do đó, dù biết mình có khả năng và vượt chuẩn chỉ tiêu nhưng vẫn nhận về lời từ chối thì bạn đừng vội trách hay đánh giá sai về năng lực tuyển người của họ. Hãy xem mình có rơi vào những trường hợp đã kể trên đây để có hướng xử lý phù hợp và rút kinh nghiệm cho những lần ứng tuyển sau nhé.

Mai Hương