Lên sàn, “ông lớn” hứa suông

Khá nhiều “ông lớn” như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco1), Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (Tedi), Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…, từng hứa hẹn niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Lỗi hẹn đến bao giờ?
 
Lỗi hẹn đến bao giờ?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp Nhà nước thì ngày 1/11/2015 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Thời gian để các doanh nghiệp tuân thủ quy định trên không còn dài, nhưng trong số hàng trăm công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa, thì số doanh nghiệp công bố thông tin sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo Nghị quyết thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng của HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được ban hành mới đây, tập đoàn này đã thống nhất sẽ lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đến thời điểm này, Vinatex đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Thế nhưng, bao giờ cổ phiếu Vinatex được đăng ký giao dịch trên UPCoM vẫn đang là câu hỏi được giới đầu tư quan tâm.

Không phải ngẫu nhiên mà giới đầu tư đặt ra câu hỏi trên. Thực tế, khá nhiều “ông lớn” từng có ý định đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây đã lâu, nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ.

Còn nhớ, trả lời thắc mắc của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên năm 2009 về lý do cổ phiếu của Habeco chậm niêm yết, Chủ tịch HĐQT Habeco khi đó là ông Lê Bá Cơ, cho biết, Habeco sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2009 trước khi chính thức niêm yết trên sàn. Đến nay, Habeco vẫn chưa thực hiện lời hứa này.

Lỗi hẹn lên sàn như Habeco không phải là hiếm. ĐHCĐ Cienco1 lần thứ nhất, diễn ra  năm ngoái, đã thông qua chủ trương niêm yết 70 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Một năm trôi qua, Cienco1 đã không hiện thực hóa chủ trương này, nên tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 mới đây, nội dung này tiếp tục được HĐQT của Cienco1 đưa ra trình Đại hội.

Điểm mới của tờ trình lần này là trường hợp chưa đủ điều kiện niêm yết, thì Cienco1 sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Đề xuất này đã được ĐHCĐ thông qua, với thời gian niêm yết dự kiến là trong năm 2015.

Từng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Tedi cũng lỗi hẹn lên sàn như “người anh em” Cienco1. Tại ĐHCĐ lần thứ nhất năm ngoái, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tedi đã trình Đại hội thông qua chủ trương niêm yết 12,5 triệu cổ phiếu trên HNX và đã được ĐHCĐ thông qua. Đến nay, Tedi vẫn chưa thực hiện chủ trương này. 

Giới đầu tư… “nóng mặt”

Hàng loạt doanh nghiệp lỗi hẹn lên sàn đang khiến giới đầu tư bức xúc, bởi sau khi thu tiền của nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp lại “quên” đăng ký công ty đại chúng và đưa cổ phiếu vào lưu ký, giao dịch tập trung, khiến cho cổ phiếu “chết” thanh khoản.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã không dưới một lần gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Công thương, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Habeco và Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp… kiến nghị chỉ đạo hai “ông lớn’ này niêm yết. Thế nhưng, cả Habeco và Sabeco vẫn chưa đả động gì đến việc lên sàn.

Giới đầu tư đang mong đợi UBCK quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu và niêm yết như quy định tại Quyết định 51/2014 và các văn bản pháp lý liên quan. Qua đó, không chỉ gia tăng sức ép nhằm minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, mà còn bảo vệ quyền và lợi ích cho nhà đầu tư.

Theo Hữu Hòe
Đầu tư Chứng khoán
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”