Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường

Mộc Châu – Vùng đất được lựa chọn để nuôi bò sữa từ những ngày đầu chập chững của ngành sữa Việt Nam, năm 1958. Nơi đây, một vùng thảo nguyên xanh bát ngát, khí hậu ôn hòa là môi trường lý tưởng cho đàn bò sữa.

Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Mộc Châu giờ đây đã trở thành một cao nguyên xanh tươi và trù phú với sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi bò sữa và những sản phẩm từ sữa mang thương hiệu Mộc Châu Milk.

Lựa chọn phát triển theo Mô hình “Tổ chức chăn nuôi sản xuất – Chế biến sâu – Kết nối thị trường”, từ trước đến nay, toàn bộ sản phẩm của Mộc Châu Milk được phát triển trên nền tảng chăn nuôi. Chính vì vậy, trước khi đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sữa tươi 100% sạch và thơm ngon, Mộc Châu Milk đã đầu tư một cách bài bản vào các Hệ thống trang trại chăn nuôi lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường - 1

Mọi quy trình sản xuất đều nghiêm ngặt và khép kín theo tiêu chuẩn chất lượng cao, từ khâu xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và ngô làm thức ăn ủ chua, nhà máy chế biến thức ăn TMR… đến quản lý thú y, kiến tạo môi trường xung quanh.

Cùng với hệ thống lõi là các trại giống tiêu chuẩn, Mộc Châu Milk hướng tới mục tiêu phát triển vùng thông qua hệ thống gần 600 trang trại chăn nuôi với trên 23.000 con bò tại thời điểm này và dự kiến đạt 35.000 con đến năm 2020.

Ở những trang trại này, những người chủ sở hữu hầu hết là những công nhân kỳ cựu của Nông trường bò sữa Mộc Châu trước kia. Sở hữu trang trại đã khiến họ đổi đời, trở nên giàu có và hạnh phúc với công việc của mình. Với quy mô trung bình 40 con/ trại, không hiếm các trang trại từ 80 con bò đến 200 con bò, chưa có nơi nào có nhiều tỷ phú như tại Mộc Châu. Những người nông dân sở hữu khối tài sản “triệu đô” là bình thường tại đây!

Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường - 2

Đóng vai trò là “bà đỡ”, Mộc Châu Milk sát cánh với người chăn nuôi, hỗ trợ mọi công tác chăn nuôi. Hàng tháng, đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi sau đó chấm điểm theo từng loại tốt, xấu.

Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường - 3

Cũng bởi trân trọng công tác chăn nuôi và tôn vinh những người chăn nuôi bò sữa, chỉ có tại Mộc Châu Milk mới có Cuộc thi Hoa hậu Bò sữa độc đáo và thú vị. Nếu như trước kia, cuộc thi chỉ như một cuộc đua tài của người nông dân thì qua 14 lần tổ chức, Cuộc thi vang danh là một Lễ hội truyền thống của người chăn nuôi, tôn vinh những thành quả lao động và còn là một điểm đến thú vị dành cho du khách bốn phương.

Ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc của Mộc Châu Milk cho hay, trong quá trình phát triển đàn bò sữa tại Mộc Châu, bên cạnh thế mạnh chăn nuôi thì việc giữ gìn cảnh quan và thiên nhiên là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp tại đây. “ Cái khó lại ló cái khôn”, người chăn nuôi Mộc Châu một lần nữa lại “ghi điểm” bằng chính sự nỗ lực và tình yêu dành cho vùng thảo nguyên này. Đó chính là hệ thống xử lý phân bò.

Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường - 4

Người Mộc Châu giờ hay nói vui, đến phân bò giờ đây cũng có giá. Theo đó, phân bò ở chuồng được dọn về chung một hố, máy được bật sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15-25%), còn nước phân một phần sẽ chảy vào bể biogas, một phần sẽ chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu,...

Lên Mộc Châu xem nông dân chăn nuôi bò sữa và bảo vệ môi trường - 5

Sản phẩm phân ép khô trở thành món hàng bán chạy bởi là tơi xốp, không có mùi hôi, cực kỳ phù hợp cho các trang trại trồng rau màu hữu cơ. Những người nông dân nhanh nhạy đóng bao thành phẩm, bán ra ngoài có giá tới 2500đ/kg.

Không chỉ làm lợi cho mỗi trang trại, cái lợi lớn hơn cả chính là môi trường xanh của Mộc Châu được bảo vệ. Không chỉ có bò sữa, Mộc Châu bây giờ còn là điểm du lịch “phải đến” của nhiều khách du lịch. Chính vì thế, từ quy mô nhỏ của các trang trại chăn nuôi, đã đến lúc cần có cả bàn tay của doanh nghiệp và Nhà nước. Ông Chiến cho hay, “ Hiện công ty cũng lên kế hoạch thành lập một nhà máy xử lý phân tự động để xử lý phân bò của tất cả các trang trại chăn nuôi, đồng thời xử lý cả nguồn phân cực lớn của các trang trại chăn nuôi lợn, gà tại địa phương, đến khi đó, sản xuất mới thực sự bền vững, người chăn nuôi cùng mới yên tâm phắt triển công việc của mình”.

Mộc Châu giờ đây đã có gần 600 trang trại chăn nuôi với hơn 23 ngàn con bò sữa. Các trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khép kín.

Sữa bò khi vừa vắt ra sẽ được chuyển xuống bảo quản ở nhiệt độ 2-4 độ C và kiểm tra nhanh độ tươi của sữa để phân loại. Xe bồn lạnh sẽ nhanh chóng chở sữa và đưa vào dây chuyền sản xuất. Sữa sẽ được sản xuất ngay trong ngày trên dây chuyền tự động để đảm bảo độ thơm ngon và tinh khiết.

Hiện nay, Mộc Châu Milk mỗi ngày cung cấp ra thị trường 230 tấn sữa tươi từ các trang trại chăn nuôi với các sản phẩm thương phẩm gồm; sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua uống, sữa chua ăn, bánh sữa, phomai…

Hữu Dũng