Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 21/9, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhằm tư vấn cải tiến doanh nghiệp và phát triển nhà cung ứng trong thời gian 6 năm được tổ chức.

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Park Nowan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. 

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam - 1

Theo biên bản ghi nhớ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh sẽ được thực hiện trong 6 năm từ 2020 - 2025 gồm: Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung ứng lần đầu tiên thực hiện tại một địa phương. Các chuyên gia của Samsung sẽ trực tiếp khảo sát, đánh giá và doanh nghiệp Việt Nam nhận trực tiếp tư vấn, làm việc để cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong cung ứng sản phẩm, linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cũng được ưu tiên cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của Samsung ở nhiều lĩnh vực lương thực, y tế, công nghiệp hỗ trợ, vận tải… 

Nhấn mạnh triết lý kinh doanh “Đồng thịnh vượng”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và cơ quan hữu quan, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu trong thời gian tới. Do đó, buổi lễ cam kết này sẽ là tiền đề để Samsung chia sẻ những kinh nghiệm dày dặn cho các doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo năng lực cạnh tranh trong sản xuất. 

Ông Đào Quang Khải, Tỉnh Uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cho hay Samsung là đối tác quan trọng hàng đầu khi đầu tư tới 9,3 tỷ USD trong tổng số 19,8 tỷ USD vốn vào địa phương. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ lực tham gia. Nguyên nhân là do chưa xây dựng được cơ chế hợp tác đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, ông Khải kỳ vọng việc ký kết này là để cùng thực thi cam kết triển khai có hiệu quả.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 115 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng. Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung từ năm 2018 đến nay tập trung đào tạo tư vấn viên, giúp tăng năng suất, thay đổi và nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy vậy, do nguồn lực hạn chế nên chương trình chưa được triển khai rộng rãi, tạo sự lan toả cho cộng động doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nên để rút ngắn thời gian và hỗ trợ doanh nghiệp, việc nâng cao vai trò của địa phương cùng với Chính phủ và bộ, ngành là vô cùng quan trọng. 

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam ông Park Nowan cũng cho rằng việc Samsung và Bộ Công Thương cùng đồng hành triển khai chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thập kỷ qua có ý nghĩa lớn. Ông kỳ vọng chương trình hợp tác này sẽ tạo sẽ tạo cơ chế hợp tác dài hạn và có thể nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Bởi đây không chỉ là sự hợp tác B2B giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Nên tới đây, ông đề nghị bộ Công Thương mỗi nước nỗ lực hơn tìm kiếm nhà cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm triển khai nhà máy thông minh trong lĩnh vực cách mạng 4.0, phối hợp trong các dự án hợp tác song phương…

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương - tỉnh Bắc Ninh - Samsung Việt Nam - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự kiện ký kết này đánh dấu sự hợp tác giữa Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đầu tàu. Đây là mô hình tốt cần nhân rộng để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, ông đề nghị trong thời gian tới Bộ Công Thương cần cụ thể hóa các chương trình, cam kết thực thi hiệu quả. Hoàn thiện thể chế liên quan, với các cơ chế hỗ trợ tập trung như vốn, nhân lực, thị trường và vận hành có hiệu quả các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Địa phương cũng cần tập trung nguồn lực thu hút FDI hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.

Với nhà đầu tư Samsung, Phó Thủ tướng đề nghị cần nâng cao hơn nữa giá trị nội địa trong sản phẩm Samsung thông qua phát triển nhà cung ứng trong nước. Do đó, ông mong muốn Samsung tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng và doanh nghiệp trong nước cũng cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm