1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lấy gì bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Sở hữu trí tuệ là một trong 3 trụ cột của WTO. Cùng với các cam kết về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thì việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và đây cũng là điều kiện để gia nhập WTO.

Những năm gần đây, nhận thức về sở hữu trí tuệ của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đang được xây dựng, các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng được nỗ lực triển khai trên diện rộng.

 

Tuy nhiên, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang vấp phải những khó khăn và tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ở mức độ cao, đáng báo động.

 

Vi phạm ngày càng nghiêm trọng và phức tạp

 

Ông Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tình trạng xâm pham sở hữu trí tuệ đã trở thành hiện tượng phổ biến. Các hành vi xâm phạm diễn ra ở hầu hết các loại sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, tập trung dưới dạng sao chép nhãn hiệu, sao chép kiểu dáng, mang các chỉ dẫn địa lý giả mạo.

 

Xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở tất cả các khu vực sản xuất - chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu và liên quan tới nhiều thành phần kinh tế: tư nhân, nhà nước, liên doanh và thậm chí là thành phần 100% vốn đầu tư nước ngoài.

 

Trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ thì tính chất vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Có thể thấy điều đó qua số lượng vi phạm bị phát hiện tăng lên nhanh chóng qua các năm. Trên thị trường, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng khó phân biệt. Rất nhiều mặt hàng hiện nay rơi vào tình trạng thật giả lẫn lộn rất khó nhận biết.

 

Đặc biệt, việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ở nhóm hàng hoá có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng và xã hội như: thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng.

 

Trên địa bàn Hà Nội, số liệu của Chi cục quản lý thị trường cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng các vụ vi pham sở hữu trí tuệ đã chiếm tới 70% các vụ vi phạm mà cơ quan này xử lý.

 

Cụ thể, nếu năm 1997 mới có 15 vụ vi phạm thì tới năm 2000 đã lên tới 101 vụ, trong đó có hai vụ phải chuyển qua xử lý hình sự. Năm 2001, số vụ vi phạm bị phát hiện là 144; năm 2002 là 145 vụ và 6 tháng đầu năm đã phát hiện 62 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

 

Ngoài ra, qua điều tra, Chi cục quản lý thị trường cũng xác định được 19 tụ điểm nghi vấn có hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả và dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, lập danh sách 178 đầu mối về sản xuất hàng giả có quy mô để theo dõi xử lý.

 

Tuy nhiên, theo ông Vương Trí Dũng - Chi cục phó, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, những kết quả trên vẫn còn rất hạn chế và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

Hệ thống pháp lý chồng chéo, thiếu đồng bộ

 

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng và phổ biến, song theo ông Đoàn Năng, chủ yếu vẫn là do các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm bất cập; việc tổ chức các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa có hiệu quả, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được thực thi tốt.

 

Bên cạnh đó, phải kể đến những hạn chế về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn thấp của người tiêu dùng.

 

Nhược điểm cơ bản nhất của hệ thống pháp luật bảo hộ sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay là nằm rải rác và tản mạn trong rất nhiều văn bản. Phần lớn đều là các văn bản dưới luật, hiệu lực thi hành thấp, gây khó khăn phức tạp cho người vận dụng. Thậm chí một số quy định còn chưa tương thích với các điều ước quốc tế.

 

Từ thực tế thực thi các quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ông Vương Trí Dũng chỉ ra rằng cách định nghĩa hàng giả như hiện nay, vừa thiếu tính khoa học và căn cứ pháp lý, vừa quá rộng, do vậy khi áp dụng vào xử lý sở hữu trí tuệ đã gây nên tình trạng hành chính hoá, dân sự hoá.

 

Cụ thể, việc quy định chất lượng tối thiểu như thế nào để xác định là hàng kém chất lượng, hàng giả? Việc sai pham quy chế nhãn mác đến mức nào bị coi là hàng giả, nhãn hiệu trùng đến bao nhiêu phần trăm bị coi là hàng giả? Tất cả đều chưa có quy định rõ ràng.

 

Các Nghị định về tên thương mại, xuất xứ địa lý, bảo hộ bí mật thương mại, sáng chế... không có chế tài xử lý nên các vi phạm tuy được nêu tên nhưng không được xử lý. Thậm chí, nhiều quy định về sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực như: chương trình máy tính, truyền hình phát thanh, kịch... còn thiếu.

 

Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe, tỷ lệ phạt cảnh cáo quá lớn... nên số tái phạm cao, thậm chí các vụ tái phạm còn tăng lên về quy mô.

 

Thiếu vai trò chỉ đạo và chịu trách nhiệm

 

Hiện nay, có 5 cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ như: uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra khoa học công nghệ và thanh tra văn hoá thông tin.

 

Tuy nhiên, ngoại trừ hải quan là lực lượng thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ ở cửa khẩu, biên giới, các cơ quan còn lại chịu trách nhiệm trên thị trường nội địa nhưng thường không có sự phối hợp với nhau.

 

Không có cơ quan nào đóng vai trò chủ trì hay được giao trách nhiệm chính nên dẫn đến tình trạng, nhiều người làm cùng một việc nhưng lại mạnh ai nấy làm, dễ làm khó bỏ, chồng chéo, hiệu quả không cao... Thậm chí văn bản giữa các cơ quan còn xung đột lẫn nhau.

 

Đã có vụ kiện, thanh tra khoa học công nghệ kết luận một đàng nhưng thanh tra văn hoá thông tin lại cho kết luận ngược lại; không ai chịu ai, vụ việc lại rơi vào bế tắc.

 

Nhiều cơ quan tham gia nhưng mỗi cơ quan lại áp dụng những trình tự thủ tục về sở hữu trí tuệ khác nhau. Chưa có quy định thống nhất của Chính phủ nên các doanh nghiệp khi bị xâm hại đến giải quyết tại các cơ quan chức năng bị đòi hỏi nhiều thủ tục, rồi chuyển qua, chuyển lại rất phiền hà.

 

Bên cạnh đó, do nhận thức về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của người tiêu dùng còn thấp và xu hướng thích dùng hàng giá rẻ đang là một động lực để nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển nhưng lại ít bị tố cáo, phát hiện. Việc đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ càng trở nên khó khăn.

 

Trong tình hình đó, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện về bảo hộ sở hữu trí tuệ với đầy đủ các quy định quản lý, các chế tài xử phạt... dễ áp dụng trong thực tiễn là rất cần thiết. Điều đó không chỉ nâng cao hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Hiện nay, Luật sở hữu trí tuệ đã được soạn thảo đang trình Quốc hội cho ý kiến để có thể phê chuẩn ban hành vào cuối năm 2005. Hy vọng, với văn bản pháp lý này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật có tầm hiệu lực cao, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cụ thể để dễ áp dụng trong thực tế.

 

Theo Lê Phong

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm