1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lập Quỹ nâng cao sức khỏe: Kinh nghiệm ở các nước

(Dân trí) - Dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Bộ Y tế soạn thảo đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe. Nguồn thu của Quỹ chủ yếu đến từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, và dùng để tiến hành các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe do Chính phủ quy định. Thực tế tại các nước đã lập Quỹ Nâng cao sức khỏe như thế nào và hiệu quả ra sao?


Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cần thiết, nhưng hiệu quả, cách thức lập quỹ của Quỹ nâng cao sức khỏe lại là vấn đề đáng bàn

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cần thiết, nhưng hiệu quả, cách thức lập quỹ của Quỹ nâng cao sức khỏe lại là vấn đề đáng bàn

Thách thức về hiệu quả

Theo đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án:

Phương án 1 – thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe (gộp Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay cũng sẽ được gộp chung vào Quỹ Nâng cáo sức khỏe này): Nguồn thu của Quỹ chủ yếu đến từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (theo mức 0,5% từ ngày Luật có hiệu lực và nâng lên 2% vào năm 2030). Ngân sách Quỹ sẽ được chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Phương án 2 - không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe: Tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu, bia vẫn phải đóng góp tương tự như phương án 1. Ngân sách Quỹ sẽ được sử dụng để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe do Chính phủ quy định.

Nhìn ra thế giới, thực tế là rất ít quốc gia có Quỹ Nâng cao sức khỏe thu thuế từ doanh nghiệp. Hầu hết sau đó bị xóa bỏ hoặc sửa đổi do thách thức về tính hiệu quả như trường hợp của Úc và Bỉ.

Philippines sau khi thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe, hiện đang thực hiện rà soát lại hoạt động của Quỹ này. Luật Cải cách Thuế của Philippines muốn tăng cường nguồn thu để hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người nghèo (PhilHealth) và mở rộng các dịch vụ ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Theo đó Philippines tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trên sản phẩm thuốc lá và đồ uống có cồn

Thế nhưng Quỹ này vướng phải một số khó khăn khi Bộ Y tế không thể tổ chức phân bổ ngân sách chăm sóc sức khỏe hàng năm (theo báo cáo của WHO về “Thu thuế cho hoạt động chăm sóc sức khỏe”). Hiện vẫn chưa thấy rõ hiệu quả của khoản thu bổ sung này đối với việc cải thiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Philippines (100% khoản thuế bổ sung được dành cho Quỹ).

Hiệu quả của việc phòng chống tác hại từ lạm dụng rượu bia của loai hình Quỹ này là không rõ ràng. Ví dụ như tại Botswana, chỉ 5% ngân sách Quỹ được dành cho hoạt động phòng, chống tác hại từ rượu, bia trong khi khoản thu còn lại được dùng cho các hoạt động khác của Chính phủ. Còn Quỹ của Thái Lan hiện đang đối mặt với các chỉ trích về ngân sách thực tế (từ khoản thu được) được phân bổ cho các chương trình của Quỹ.

Trong tất cả các cơ chế này, New Zealand là quốc gia duy nhất được đánh giá là thực hiện hiệu quả, với mức thu khoảng 1% của thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng (áp dụng cho từng nồng độ cồn), và khoản thu này được phân bổ toàn bộ vào các chiến dịch về đồ uống có cồn.

Cân nhắc việc lập Quỹ nâng cao sức khỏe

Không chỉ hiệu quả chưa rõ ràng, mà thậm chí còn có vụ bê bối liên quan đến quản lý loại quỹ này. Thái Lan là một ví dụ đặc biệt cần lưu ý khi mô hình Quỹ Nâng cao sức khỏe hiện nay đang được xây dựng theo mô hình Quỹ của Thái Lan.

Năm 2001, Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan được thành lập trên cơ sở Đạo luật Quỹ Nâng cao sức khỏe. ThaiHealth được tài trợ trực tiếp bằng khoản thuế bổ sung 2% trên các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt của các sản phẩm rượu bia và thuốc lá. ThaiHealth có toàn quyền phê duyệt chi tiêu của mình mà không bị kiểm tra bởi Cục Ngân sách cũng như Quốc hội.

Theo cơ chế này, ThaiHealth được hoàn toàn “thoải mái” trong việc chi tiêu và thậm chí có những năm còn tiêu lạm ngân sách. Tổng thu ngân sách mà ThaiHealth nhận được từ năm 2002-2016 lên đến hơn 44,24 tỷ baht (hơn 1,14 tỷ Euro), trung bình 2,77 tỷ baht mỗi năm. Con số này vẫn tăng đều hàng năm kể từ khi thành lập, phần nào phản ánh việc ThaiHealth đã không thực hiện được mục tiêu đề ra là giảm tiêu thụ rượu bia và thuốc lá.

Sau một thời gian hoạt động, nhiều dấu hiệu đáng ngờ trong chi tiêu của ThaiHealth đã xuất hiện. Theo báo cáo điều tra của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Vương quốc Thái Lan, ngân sách của ThaiHealth đã bị chi tiêu sai mục đích. Giải ngân vượt quá chi tiêu thực tế, giải ngân thừa, thiếu các tài liệu cần thiết minh chứng cho quá trình giải ngân, đặc biệt là chi phí cho các chuyến công tác nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn ở nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn quỹ đã được phân bổ cho các dự án không liên quan trực tiếp đến mục tiêu của Thaihealth, ví dụ như nghiên cứu về đa dạng chính trị hay tổ chức buổi tụng kinh cầu nguyện vào đêm Giao thừa. Ngân sách hoạt động của ThaiHealth thâm hụt trong 3 năm liên tiếp (-3,5% năm 2012, -1% năm 2013 và -7,88% năm 2014) và ThaiHealth cũng không thực hiện đánh giá kết quả hoạt động thực tiễn dựa trên các chỉ tiêu hoạt động đã đề ra.

Kết thúc cuộc điều tra, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã miễn nhiệm 7 thành viên hội đồng quản trị ThaiHealth do nghi ngờ rằng họ đã phân bổ nguồn quỹ của ThaiHealth không phù hợp với nhiệm vụ của Quỹ. Thủ tướng Thái Lan cũng chỉ định Bộ trưởng Y tế bổ nhiệm ủy ban giám sát để đảm bảo rằng các dự án của ThaiHealth được thực hiện phù hợp với mục tiêu đề ra ban đầu của Quỹ.

Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng không nên áp dụng mô hình Quỹ nâng cao sức khỏe ở Việt Nam, vừa tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà lại không có hiệu quả rõ ràng.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải Khát Việt Nam cho rằng: Các DN sản xuất kinh doanh rượu, bia đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thuế suất 65% và thuế nhập khẩu 45%. Do đó, yêu cầu phải đóng góp thêm vào Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng là không phù hợp, thêm gánh nặng cho DN.

Mối quan ngại Quỹ Nâng cao sức khỏe quản lý lỏng lẻo là hiện hữu, bởi loại quỹ này không thuộc diện giám sát chặt chẽ như những khoản thu – chi được sử dụng, quản lý và kiểm toán theo luật ngân sách.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Dự thảo luật có gần 15 trang, nhưng có tới 3 trang đề cập đến Quỹ sức khỏe, hình như mục đích chính là để lập quỹ?

“Quỹ nâng cao sức khỏe thu dựa trên doanh số bán ra, chẳng khác gì thuế. Chỉ có điều không gọi là thuế mà thôi. Quy mô nền kinh tế của ta nhỏ, đừng để nguồn lực bị phân tán vì có quá nhiều loại quỹ”, theo vị đại biểu này.

H.N

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm