Lập công ty mua bán nợ: Quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng
(Dân trí) - NHNN đang hoàn thiện đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia và sẽ trình đề án lên Chính phủ và Bộ Chính trị trước ngày 15/11. Khối lượng nợ xấu mà công ty mua bán nợ xử lý có quy mô khoảng 60.000 tỷ - 100.000 tỷ đồng.
Đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia sẽ trình lên Chính phủ và Bộ Chính trị
trước ngày 15/11 (ảnh minh họa).
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau hàng loạt giải pháp xử lý, đến nay, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm được 36.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu được thống kê theo chuẩn của NHNN là khoảng 202.000 tỷ đồng, Tỷ lệ nợ xấu hiện nay, theo đánh giá của NHNN, vẫn ở mức 8 -10% tổng dư nợ tín dụng.
Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, 85% số nợ xấu nói trên đều có tài sản đảm bảo và số tài sản đảm bảo này có giá trị tương đương 135% tổng nợ xấu. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro trên dưới 70.000 tỷ đồng.
Cũng theo đại diện của NHNN, tài sản thế chấp phần lớn là bất động sản, nếu khai thông được thị trường này, nợ xấu mới được giải quyết. Xử lý nợ xấu trong bất động sản chính là xử lý nợ xấu của ngân hàng và của cả nền kinh tế. Vì vậy, theo NHNN, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải khơi thông thị trường bất động sản. Đây không phải vấn đề riêng của NHNN mà cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương khác.
Bởi theo đánh giá của NHNN bản thân các ngân hàng không phải tác nhân tạo ra nợ xấu mà đó là hệ quả của tăng trưởng tín dụng quá nóng thời gian qua. Và đến nay, khi điều kiện kinh tế không thuận lợi, vấn đề nợ xấu mới bộc lộ rõ hơn.
Theo đó, NHNN đang hoàn thiện đề án thành lập công ty mua bán nợ và sẽ trình đề án lên Chính phủ và Bộ Chính trị trước ngày 15/11. Khối lượng nợ xấu mà công ty mua bán nợ xử lý có quy mô khoảng 60.000 - 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, các ngân hàng cũng đang tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc xóa nợ, dãn nợ, chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng trích lập quỹ dự phòng.
Về việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết, trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc, cơ quan này đã tiến hành thanh tra, đồng thời mời kiểm toán độc lập vào làm việc. Kết quả cho thấy, nợ xấu tại một số đơn vị cao hơn nhiều báo cáo, có nơi công bố nợ xấu trên dưới 3% nhưng kết quả thanh tra lên đến hàng chục phần trăm, có ngân hàng mất vốn điều lệ về 0, thậm chí là âm vốn điều lệ.
Trong đó, có 5 ngân hàng đã có phương án tái cấu trúc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và đang triển khai. 4 ngân hàng còn lại (một ngoài Bắc và 3 trong Nam) chưa có được đề án hợp lý. Từ nay tới cuối năm nếu các đơn vị không có phương án phù hợp, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp bắt buộc. Riêng công ty tài chính sẽ có phương án sáp nhập với một số ngân hàng hoặc trở thành công ty con trực thuộc ngân hàng trong thời gian tới.
Trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội về phương án xử lý nợ xấu, TS.Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Giải quyết nợ xấu phải xác định là cứu nền kinh tế, chứ không phải cứu ngân hàng, hay cứu bất động sản. Một khi nợ xấu được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.
Theo ý kiến TS.Trần Hoàng Ngân, để giải quyết tận gốc nợ xấu hiện nay cần thành lập Ủy ban giải quyết nợ xấu. Trong đó có đại điện của NHNN vì nó dính đến ngân hàng, dính đến tiền; có đại diện của Bộ Tài chính vì nó liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự có mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới đất đai, có đại điện cho Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ủy ban giải quyết nợ xấu đó phải có một Ban kiểm soát, gồm đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát độc lập. Và ban này cần hình thành lập một Công ty mua bán nợ.
Còn theo TS.Trần Du Lịch, hơn 202.000 tỷ đồng nợ xấu cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này, chứ không được “chuyển giao” cho nền kinh tế.