Lão nông thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ cây ghép 10 loại quả
(Dân trí) - Ông Lê Đức Giáp (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ thu nhập từ việc bán cây ghép từ 5 đến 10 loại quả của ông trong dịp Tết lên đến 2 – 3 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí thì mỗi năm lãi được khoảng 500 triệu đồng.
Những ngày giáp Tết, khách đến xem và đặt mua cây ngũ quả ở vườn ông Giáp ra vào tấp nập. Ông chia sẻ vào những ngày này, trung bình ông bán được khoảng 5 đến 10 cây ngũ quả mỗi ngày.
Được biết, năm nay vườn nhà ông có khoảng 60 cây ghép 10 loại quả bao gồm có 3 loại bưởi là bưởi Diễn, bưởi đào, bưởi sần; cam cũng có 3 loại là cam canh, cam Vinh và cam Trung Quốc (hay còn gọi là cam chín muộn), ngoài ra còn có quả phật thủ, chanh đào, quýt và quất là đủ 10 loại quả.
Bên cạnh đó, ông Giáp cũng trồng khoảng 30 cây ghép 5 đến 6 loại quả, cây phật thủ cảnh và cam đường cảnh khoảng 30 cây mỗi loại nhưng đã có già nửa số cây được khách đặt mua từ nhiều tháng trước.
Ông Giáp cho biết: “Từ tháng 5, tháng 6 khách đã đến mua cây rồi, mặc dù lúc đó khách chỉ nhìn thấy gốc cây, thế cây thôi nhưng họ đã thấy ưng để đặt rồi. Những khách đó thì khoảng tháng 10 họ quay lại xem mình ghép quả thế nào thôi”.
Về giá cả, ông Giáp cho biết giá cả của cây không phụ thuộc vào số lượng các loại quả được ghép vào cây mà phụ thuộc vào độ lớn của cây. “Tôi ghép những cây ngũ quả giá chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng để mọi người ai cũng có thể chơi cây ngũ quả này. Cây có giá 1,5 triệu cũng đẹp nhưng nó là cây nhỏ, thế cây cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá cả”, ông Giáp chia sẻ và nói thêm rằng từ ngày ông bán cây cảnh chơi Tết, giá cả vẫn chỉ duy trì bằng giá cũ hoặc giảm bớt để khách dễ mua.
Bà Nguyễn Thị Thanh, vợ ông Giáp cho biết năm 2008 là năm đầu tiên ông Giáp ghép cây ngũ quả, vì chưa nắm bắt được thời điểm của quả nên khi ghép lên cây có quả chín sớm hơn có quả chín muộn hơn, không cân đối.
“Nhưng sang năm 2009, lúc đó ông ấy có kinh nghiệm rồi, ghép cây cũng đẹp hơn nhưng lúc đó thị trường chưa biết đến, mình cũng chỉ bán cho anh em một ít, còn lại thì cho bà con mượn chơi Tết, sau đó mọi người ở xa về nhà ăn Tết, rồi đến hội làng người ta nhìn thấy cây đó, đến năm 2010 mọi người bắt đầu biết đến để mua”, bà Thanh nhớ lại.
“Tôi mất khoảng 7 tháng để ghép hoàn chỉnh một cây ngũ quả. Tháng 4 bắt đầu chăm gốc, tháng 6 tôi bắt đầu ghép các giống bưởi vào đầu tiên, sang tháng 8 bắt đầu ghép các loại cam, quýt, quất và phật thủ được ghép vào tháng 10”, ông Giáp chia sẻ về quy trình ghép cây ngũ quả.
Bà Thanh cho biết, cây cảnh ngũ quả của nhà ông bà được khách ở cả những nơi xa xôi như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình hay Thái Nguyên đổ về mua. Cây có thể trưng được khoảng 2 đến 3 tháng, từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng, tháng Hai âm lịch thì cây vẫn đẹp, bà nói thêm.
Hồng Vân