1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lao động nhập cư Trung Quốc khốn đốn vì nền kinh tế đóng cửa tránh dịch

(Dân trí) - Tầng lớp lao động nhập cư khổng lồ tại Trung Quốc có thể sẽ mất tổng cộng 115 tỷ USD tiền lương do các nhà máy giảm thiểu công suất và nhiều doanh nghiệp dịch vụ vẫn đóng cửa.

Lao động nhập cư Trung Quốc khốn đốn vì nền kinh tế đóng cửa tránh dịch - 1

Công nhân nhập cư đến ga xe lửa Tây Bắc ở Bắc Kinh, vào ngày 26/2 trong một chuyến tàu đặc biệt vận chuyển 470 công nhân nhập cư từ Trùng Khánh đến Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Lily Zhu, một người lao động nhập cư từ tỉnh Hồ Nam phía nam Trung Quốc, hiện đang làm quản lý bán hàng tại một nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh nói rằng, với tình hình trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, mình không hy vọng sẽ được trả lương vào tháng 2, tháng 3 hoặc thậm chí là tháng 4.

Tình hình tại nơi cô làm việc cũng giống như hầu hết các nhà hàng ở thủ đô Trung Quốc, vẫn tiếp tục đóng cửa do sự bùng phát của virus corona.

Zhu nói rằng: “Tôi đã chờ đợi cửa hàng sẽ gọi tôi trở lại làm việc ở Bắc Kinh, nhưng thông báo mới nhất mà tôi nhận được chỉ là khoản thanh toán tiền lương cơ bản đã bị hoãn. Lương của tôi đã hiện đã bị cắt vô thời hạn, nhưng các khoản tiền khác mà tôi phải thanh toán thì vẫn phải tiếp tục, chẳng hạn như tiền thế chấp cho căn hộ của tôi ở Hồ Nam hoặc tiền thuê căn hộ của tôi ở Bắc Kinh là những chi phí mà tôi vẫn phải thanh toán".

Zhu đã kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (1.437 USD) một tháng vào năm ngoái, số tiền đó chủ yếu đến từ các khoản tiền hoa hồng khi khách hàng đặt bàn và đơn đặt hàng đặc biệt cho rượu vang và các sản phẩm đặc biệt khác. Nhưng giờ đây, cô nhận thấy mình cũng như 300 triệu công nhân nhập cư ở Trung Quốc đang phải gánh chịu gánh nặng của sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch virus corona.

Những người lao động này chủ yếu được tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, tại đây thu nhập của họ chủ yếu được quyết định bởi số giờ họ làm việc và doanh số bán hàng mà họ tạo ra.

Virus corona, đã lây nhiễm hơn 97.000 người và giết chết hơn 3.300 người trên toàn thế giới, khiến các nhà máy và doanh nghiệp ngành dịch vụ của Trung Quốc tạm dừng hoạt động kể từ cuối tháng 1. Dữ liệu mới trong tuần này cho thấy hoạt động trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức cho thấy tổng thiệt hại trên toàn quốc nhưng các nhà kinh tế cho rằng, lực lượng lao động di cư của Trung Quốc là thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự gián đoạn này.

Ernan Cui, nhà phân tích Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, ước tính rằng ngành vụ dịch có thể khiến những người công nhân nhập cư của Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) tiền lương và chắc chắn khoản tiền này cũng sẽ không thể thu hồi lại được kể cả khi họ làm việc nhiều giờ hơn.

“Những người di cư ở nông thôn đã dần dần quay trở lại làm việc, nhưng tần suất làm việc của họ tương đối chậm. Họ chủ yếu là những người làm công ăn lương tập trung trong các lĩnh vực như sản xuất, xây dựng, dịch vụ gia đình và bán lẻ, vì vậy mỗi ngày họ không làm việc là một ngày thu nhập của họ bị mất”, ông Cui viết trong một ghi chú trong tuần này.

Những người công nhân lao động và những người có mức lương tương đối thấp là tầng lớp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch virus corona.

Tiền lương kiếm được từ các nhà máy, công trường xây dựng và công việc phục vụ đô thị có ý nghĩa rất lớn đối với những người dân nông thôn Trung Quốc và đó cũng là điều quan trọng để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của đất nước, giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo tuyệt đối - một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Zhang Hengchun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế nông thôn đã chia sẻ với truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thứ 4 rằng: “Bị nghỉ việc do sự bùng phát của virus corona có thể khiến thu nhập của người lao động nhập cư giảm 5% trong năm nay.”

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc trước đó ước tính rằng, hơn 60% công nhân nhập cư Trung Quốc sẽ trở lại làm việc trước cuối tháng hai, bao gồm cả những người đã trở lại vào giữa tháng hai và 100 triệu công nhân còn lại sẽ trở lại trong tháng này.

Mặc dù một số hạn chế về việc di chuyển giữa các khu vực vẫn còn nhưng hầu hết các tỉnh của Trung Quốc đã nới lỏng việc hạn chế đi lại vì nguy cơ lây nhiễm dường như đã giảm.

Hôm thứ 4 vừa qua, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ở khu vực có nguy cơ rủi ro thấp về dịch bệnh, không ngăn cản người dân quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, do nhiều thành phố vẫn yêu cầu những người lao động trở về phải tự cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm trở lại nên trong thời gian đó họ sẽ không được trả tiền lương, do đó mức độ ảnh hưởng đến người lao động nhập cư sẽ vẫn cao hơn.

Khoản thu nhập mà những người lao động nhập cư bị mất sẽ không thể bù đắp lại được chỉ bằng cách làm việc thêm nhiều giờ sau đó vì số ngày họ nghỉ việc quá nhiều.

Khoảng 60% công nhân nhập cư phải rời xa quê hương để đi làm việc, với 75 triệu người phải đi sang các tỉnh khác để lao động. Khoảng một nửa số lao động nhập cư thuộc lĩnh vực sản xuất và xây dựng, theo khảo sát hàng năm mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc về 226.000 lao động nhập cư nông thôn năm 2018.

Đồng thời, nhiều nhà máy, công ty đang rất cần nhiều công nhân để khởi động lại doanh nghiệp của họ hoặc đưa sản xuất trở lại theo đúng quỹ đạo trước kia. Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ đại lục, 90% trong số 500 nhà sản xuất lớn nhất của Trung Quốc đã khởi động lại sản xuất, tuy nhiên họ chỉ hoạt động với công suất 60%. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có 45% đã mở cửa trở lại vào thứ 2.

Một cơ quan tuyển dụng công nhân nhà máy ở Chu Hải, một thành phố giàu sản xuất giáp với Hồng Kông, tuần này đã đưa ra mức lương trung bình hàng tháng cho công nhân từ 5.300 nhân dân tệ đến 6.200 nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình hàng tháng năm ngoái là 3.962 nhân dân tệ.

Trong một số ngành dịch vụ như dọn phòng, người lao động nhập cư vẫn có thể gặp khó khăn khi quay trở lại công việc sau khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày, một phần là do những lo ngại về vấn đề nhiễm trùng tại các nhà nghỉ, khách sạn.

Theo báo cáo của truyền thông nhà nước từ quận Yuhang của Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh phía đông Chiết Giang. Khu vực này hiện đang thiếu người dọn dẹp và quản gia, mới chỉ có một phần ba lực lượng lao động quay trở lại làm việc.

Thùy Dung

Theo SCMP