Lãnh đạo doanh nghiệp có nên dốc hết ruột gan với nhân viên?

Việt Đức

(Dân trí) - Chuyên gia nhân sự cho rằng việc chia sẻ cụ thể về chiến lược, tầm nhìn của doanh nghiệp và vị trí của nhân viên trong hành trình đó sẽ tạo động lực lớn cho người lao động.

Trong khuôn khổ sự kiện Vietnam HR Awards chiều 22/11 tại TPHCM, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm quản trị nhân sự nhằm kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc.

Theo CEO Talentnet Tiêu Yến Trinh, điều đầu tiên là lãnh đạo phải thật sự hạnh phúc mới có thể mang lại niềm hạnh phúc cho nhân viên. Đồng thời, các doanh nghiệp nên xây dựng văn hóa biết ơn, trân trọng và chia sẻ.

Bà Trinh cũng cho rằng doanh nghiệp phải đặt con người là trung tâm, quan tâm, chăm sóc cả khía cạnh sức khỏe, tinh thần, gia đình của nhân sự. Một khi người lãnh đạo thấu hiểu sâu sắc nhân viên của mình không chỉ về công việc mà cả gia đình, cuộc sống của họ, tổ chức đó sẽ thành công.

Một yếu tố quan trọng khác là thúc đẩy khát vọng của nhân sự. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, bà cho rằng tổ chức không nên có tâm thế sở hữu nhân viên. Thay vào đó, hãy để nhân viên chủ động chọn lựa những hình thức làm việc khác nhau, không giới hạn không gian, thời gian mà chỉ hướng đến hiệu quả công việc. Khi đó, nhân sự sẽ tự làm chủ cuộc đời mình trong hành trình của tổ chức, đồng thời thực hiện được những khát vọng riêng của mình.

Đặc biệt, bà Trinh nhấn mạnh sự quan trọng trong việc minh bạch thông tin, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp với nhân sự. Theo CEO Talentnet, khi người nhân viên biết rõ công ty sẽ đi đến đâu trong 5 năm tới và hiểu tầm quan trọng, vị trí của mình trong hành trình đó, họ sẽ thích thú và có động lực lớn trong công việc.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Dragon Capital Trần Thanh Tân cho rằng việc chia sẻ toàn bộ chiến lược của công ty với nhân viên không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Ông Tân lấy ví dụ trong ngành tài chính, sự lên xuống trên thị trường "rất kinh khủng", đôi khi người lãnh đạo phải biết chọn cái gì kể, cái gì giấu với nhân viên.

Lãnh đạo doanh nghiệp có nên dốc hết ruột gan với nhân viên? - 1

Ông Trần Thanh Tân (cầm mic), bà Tiêu Yến Trinh (ngồi giữa) và các diễn giả chia sẻ về việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho nhân viên (Ảnh: Talentnet).

Ông Tân lấy ví dụ có cuộc họp của ban giám đốc công ty, ai cũng rầu rĩ vì vấn đề khủng hoảng nhưng khi kết thúc, ông yêu cầu những người tham gia bước ra ngoài phải tươi cười, không truyền cảm giác sợ hãi, lo lắng cho nhân viên. Trong trường hợp này, nếu nhân viên biết thông tin, họ có thể không giúp được nhiều nhưng ngược lại công ty sẽ càng khó khăn.

Về bí quyết quản trị nhân sự, ông Tân cho rằng hãy cảm nhận, nghĩ về nhân viên của mình như người thân, tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ cho họ. Theo ông, nhân viên phải vui trước lãnh đạo vì chính họ mới là những người làm ra tiền cho công ty.

Ngoài ra, Phó chủ tịch Dragon Capital cũng lưu ý những người làm quản lý đôi khi nên tiết chế sự hứng khởi của nhân viên. Ông lấy ví dụ nếu đã biết trước tiền thưởng là 10 đồng, khi nhận 10 đồng, người nhân viên sẽ không còn quá vui. 

Tuy nhiên, nếu truyền thông đến nhân sự người đó chỉ được thưởng 7 đồng nhưng công ty đã nỗ lực để tăng tiền thưởng lên 10 đồng thì nhân viên sẽ vui hơn nhiều. Cùng một số tiền công ty bỏ ra cho nhân sự nhưng hiệu quả rất khác nhau.

Còn với ông Tôn Thất Anh Vũ - Giám đốc Khối Nhân sự của Manulife Việt Nam, trong những tổ chức lớn, người làm công việc nhân sự không nên tập trung vào các vấn đề hành chính mà trao quyền cho người lao động thành lập những nhóm nhỏ khác nhau, cấp kinh phí hoạt động cho họ. Khi đó, người lao động sẽ vui vẻ hơn và hiệu suất công việc cũng tăng lên. "Để mua được nhân tài trên thị trường bên ngoài rất tốn kém, hãy giữ những người tốt trong công ty của mình", ông Vũ đúc kết.