Lãng phí tiền tỉ mua máy bán vé để... làm kiểng?

Trong loạt bài điều tra “Nhiều lái xe bị đẩy vào đường cùng”, chúng tôi đã phanh phui những vi phạm luật pháp tại Cty TNHH vận tải TPHCM (Citranco).

Trong quá trình điều tra, chúng tôi còn phát hiện dấu hiệu các DN vận tải ở TPHCM đã lãng phí hàng tỉ đồng cho việc mua hàng trăm máy bán vé bán tự động (BVBTĐ) chỉ để… làm kiểng.
 
Lãng phí tiền tỉ mua máy bán vé để... làm kiểng?
Có máy BVBTĐ, nhưng lái xe vẫn phải... thủ công, trực tiếp đếm, trả tiền thừa và... xé vé cho khách. Ảnh: C.H

 

Máy bán vé bán tự động hay… máy nhả tiền xu?

 

Ngày 1/12/2009, TPHCM thí điểm triển khai mô hình lắp đặt máy BVBTĐ trên xe buýt tuyến số 152 (Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất). Đến nay, TPHCM đã triển khai được 29 tuyến, với 417 xe hoạt động với máy BVBTĐ nhằm hình thành nét văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, tránh gian lận vé... Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai, mô hình máy BVBTĐ trên xe buýt ở TPHCM đã bộc lộ nhiều bất cập.

 

“Bán tự động”, vẫn phải… thủ công

 

Song, rất nhiều hành khách đi xe buýt đã than  phiền: Từ ngày lắp máy BVBTĐ, lái xe kiêm luôn  công việc của nhân viên soát vé, nên nguy cơ mất an toàn và rất tốn thời gian. Trước đây, nếu có nhân viên soát vé, hành khách chỉ việc đưa tiền hoặc đưa vé là có thể lên chỗ ngồi ngay, thậm chí cứ vào chỗ ngồi trước rồi nộp tiền hay đưa vé sau cũng được.

 

Từ khi  dùng máy BVBTĐ, hành khách phải lên xe cửa trước, bỏ tiền vào thùng, chờ lái xe bấm từng nút trả lại  tiền xu, rồi quay ra quan sát mệnh giá của từng cọc vé để xé cho đúng, sau đó mới được về chỗ ngồi. Nếu là sinh viên, khi  lên xe phải trình thẻ để bác tài kiểm tra. Khi trả lại tiền thừa cho từ 5 người trở lên cùng một lúc lên xe, nhiều người không chuẩn bị tiền lẻ, thế nào họ cũng nhận được sự bực bội từ lái xe...

 

Theo anh Nguyễn Minh Triết - hành khách thường đi xe buýt: “Có hai cái mà tôi thấy bất tiện, chung quy là về cái máy tính tiền. Thứ nhất, tính tiền, do tài xế phải cộng thêm thao tác thối tiền cho khách, nếu như khách lên xe một lúc đông, thì thời gian dừng lại mà chờ sẽ kéo dài. Cái bất tiện thứ 2 là về thối tiền, theo tôi biết thì tiền xu đã không có sử dụng nhưng riêng xe buýt thì hiện nay vẫn đang sử dụng. Cái phục vụ về thời gian cho khách và cái tiện lợi cho khách thì tôi thấy chưa đáp ứng được ở cái máy tính tiền”.

 

Lái xe Châu Minh Tuấn (tuyến 59, thuộc Citranco) cho biết: “Những lúc khách đông và đường bị kẹt xe, một mình không kiểm tra hết, thu sót hay giao thiếu vé, cũng bị phạt. Mà kỹ lưỡng thì... không đúng giờ, cũng chết;  lụp chụp mà va quệt xe máy người đi đường cũng toi mạng...”.

 

Chỉ là máy nhả xu

 

Nguyễn Thị Hoài Thắm - sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM - nhận xét: “Ở nước ngoài, hành khách quẹt thẻ, lái xe buýt chỉ việc bấm nút là vé... thòi ra cho khách. Tôi nghĩ cái máy BVBTĐ hiện nay TP đang áp dụng chẳng hiện đại, trái lại, thủ công là đằng khác”.

 

Trên thực tế quan sát tại tuyến xe buýt số 59 của Citranco, chúng tôi nhận thấy máy BVBTĐ đặt trên mỗi xe hoàn toàn không phát huy tác dụng. Thay vì khách phải bỏ tiền vào máy, thì lái xe phải đặt hoặc treo một cái bao (thùng, rổ) tự chế đựng tiền giấy... để khách bỏ tiền vào đó. Theo giải thích của các lái xe, sở dĩ phải có thứ này là để “thối tiền cho dễ”, phòng khi khách đông, khách không chịu nhận tiền xu, hay trong thùng hết tiền xu.

 

Tại tuyến xe buýt số 65 do HTX vận tải Quyết Tiến đảm nhận, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng tức cười, đó là những cửa máy BVBTĐ trả lại  tiền xu bị mốc meo, người ta nhét đầy những thứ lỉnh kỉnh như băng keo, ốc vít, dây quấn... Gọi là máy BVBTĐ, nhưng thực chất chỉ là công cụ... nhả tiền xu.

 

Hiện ở TPHCM đang áp dụng 2 loại máy BVBTĐ. Loại được coi là cao cấp áp dụng ở tuyến số 1 và tuyến số 39 của Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn. Loại này ngoài việc nhả tiền xu, còn được DN gắn thêm máy in để tự in vé. Tuy nhiên, tất cả đều phải được bác tài bấm nút. Loại thông dụng được dùng cho 27 tuyến còn lại thì chỉ đơn thuần là máy... nhả tiền xu, còn vé do Sở GTVT phát hành.

 

Anh Nguyễn Khắc Lợi - từng lái xe buýt trên tuyến số 59 -  cho rằng: “Việc áp dụng máy BVBTĐ không có lợi cho người dân, tiềm ẩn gây tai nạn, do lái xe phải làm quá nhiều việc phát sinh xung qua cái máy “của nợ” này. Phải có nhân viên bán vé là tốt hơn hết, trong bối cảnh hiện nay”.

 

Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tiền xu. Còn trên thực tế người dân từ chối dùng tiền xu từ lâu. Ấy vậy mà, trong ba năm nay, 7 doanh nghiệp và HTX vận tải của TPHCM vẫn mạnh tay đầu tư tiền tỉ, nhập “máy nhả tiền xu” từ nước ngoài về chỉ để... làm kiểng trên xe buýt!

 

Theo Cao Hùng - Trần Hằng

Lao động