Làng du lịch bên “tọa độ lửa”

Trong chiến tranh, người dân Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã không ngần ngại tháo nhà lát đường, bắc phà cho hàng trăm chuyến xe ngày đêm vượt “tọa độ lửa” Xuân Sơn chở hàng hóa vũ khí vào miền Nam. Hôm nay, trên mảnh đất một thời phải hứng chịu “mưa bom bão đạn” đó, họ lại xây nên những “thương hiệu” du lịch đủ sức làm hài lòng những khách du lịch khó tính nhất...

“Tọa độ lửa” hồi sinh

Ngồi cùng tôi trong quán cà phê bên bến phà Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Hòa không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về quê hương mình: “Sơn Trạch bây giờ đã nổi tiếng trên khắp thế giới không chỉ là xã trung tâm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng mà còn là một địa chỉ đỏ, một điểm đến huyền thoại của lòng yêu nước, của ý quật cường”. Theo ông Hòa, trong hàng triệu khách du lịch đến Phong Nha – Kẻ Bàng mỗi năm, ngoài để tham quan và khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ ở đây thì cũng không ít du khách đến đây chỉ để tìm hiểu về lịch sử của một vùng đất khốc liệt bậc nhất trong chiến tranh.

Hồi tưởng về một thời kỳ lịch sử hào hùng, ông Hòa cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là từ năm 1965 đến năm 1972 Sơn Trạch có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nơi đây có phà Xuân Sơn vượt sông Son là tuyến đầu viện trợ cho chiến trường miền Nam.


Hồ Khanh (trái) cùng vợ chồng ông Howard Limbert, những người có công rất  lớn với du lịch ở Sơn Trạch. Ảnh: P.T

Hồ Khanh (trái) cùng vợ chồng ông Howard Limbert, những người có công rất  lớn với du lịch ở Sơn Trạch. Ảnh: P.T

Ngày đó, Xuân Sơn và cả Sơn Trạch được ví như túi bom để máy bay Mỹ ngày đêm trút xuống. Chỉ một đoạn sông ngắn từ bến Xuân Sơn vào đến cửa động Phong Nha chưa đầy 5km, nhưng lúc nào cũng dày đặc thủy lôi, bom từ trường. Hai bên bến phà bị chúng bắn phá tan hoang, dày đặc hố bom…

Chiến tranh kết thúc, Sơn Trạch bắt tay xây lại quê hương trong cảnh hoang tàn. Đất đai cằn cỗi ô nhiễm bom mìn và khí hậu khắc nghiệt đã dẫn đến một thời kỳ khá dài, người dân Sơn Trạch phải sống phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng. Rồi Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành khu bảo tồn thiên nhiên và sau này là Di sản thiên nhiên thế giới và được bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân Sơn Trạch vì thế dần mất hết nguồn sống từ rừng. “Là quê hương của di sản, không lẽ để dân đói vì không được đi “phá rừng”. Thế nên trong các kỳ đại hội, Đảng bộ xã đã ra các nghị quyết chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển du lịch. Khuyến khích con em địa phương xây khách sạn, mở nhà hàng để đón khách du lịch. Ai không có điều kiện thì vẫn làm nông nghiệp nhưng cũng chuyển hướng sang làm nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm sạch phục vụ du lịch…” – ông Hòa chia sẻ.

Làm giàu từ du lịch

Đến Sơn Trạch hôm nay, du khách rất khó để hình dung được rằng nơi đây đã từng là một “tọa độ lửa” của chiến tranh. Bến phà xưa nơi ngày đêm bom đạn cày xới, nay là bến thuyền ngày ngày tấp nập đón khách tham quan, khám phá hang động Phong Nha – Tiên Sơn kỳ vĩ. Những người nông dân khi xưa đã từng tự tay tháo nhà lót đường cho những chuyến xe qua, nay con cháu họ chính là những người cầm lái những con thuyền lướt sông Son đưa khách khám phá hang động. Hàng vạn hố bom xưa nay cũng đã được lấp hết để nhường chỗ cho một thị tứ sầm uất với nhà cửa khang trang, xe cộ tấp nập.

"Sau chiến tranh, người dân Sơn Trạch phần lớn làm nông nghiệp mà không đủ ăn, phải dựa vào rừng thì nay đa số người dân đã sống khỏe và làm giàu từ du lịch và dịch vụ du lịch...” .

Những năm gần đây, khi nhiều hang động nổi tiếng thế giới như Sơn Đoòng, Thiên Đường... được phát hiện và đưa vào khai thác du lịch đã tạo ra sức hút mạnh mẽ với khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Nắm bắt cơ hội này, người dân Sơn Trạch đã mạnh dạn đầu tư dịch vụ homestay, nhà hàng, khách sạn… để đón khách.

Những năm sau chiến tranh, hầu hết người dân Sơn Trạch đều cực khổ với công việc mưu sinh từ rừng thiêng, nước độc thì nay họ đã chuyển sang làm nhiêu nghề như: Chèo thuyền, chụp ảnh, làm porter (vận chuyển)… phục vụ khách du lịch. “Sau chiến tranh, người dân Sơn Trạch phần lớn làm nông nghiệp mà không đủ ăn, phải dựa vào rừng thì nay đa số người dân đã sống khỏe và làm giàu từ du lịch và dịch vụ du lịch…” – ông Hòa nói.

Đẳng cấp quốc tế

Theo ông Hòa, bây giờ Sơn Trạch đã đủ sức để tiếp đón và làm hài lòng du khách dù họ đến từ đâu trên thế giới. Nhiều cơ sở du lịch ở Sơn Trạch đã trở thành thương hiệu mạnh, nổi tiếng cả trên thị trường du lịch quốc tế. Khách du lịch đến Phong Nha – Kẻ Bàng, đặc biệt là khách quốc tế muốn khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng chắc chắn họ phải tìm đến Công ty Oxalis (Chua me đất). Oxalis là hãng lữ hành duy nhất cho đến thời điểm này đưa khách khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Không chỉ có vậy, thương hiệu Oxalis ngày càng được khẳng định trên thị trường du lịch thế giới khi là đối tác chính của những những hãng truyền hình nổi tiếng trên thế giới khi đến làm phim ở Sơn Đoòng như Hãng truyền hình Mỹ ABC News làm chương trình trực tiếp trên chuyên mục Good Morning America…


Bến phà Xuân Sơn một thời là túi bom, nay là là bến thuyền đưa du khách tham quan động Phong Nha. Ảnh:P.T

Bến phà Xuân Sơn một thời là túi bom, nay là là bến thuyền đưa du khách tham quan động Phong Nha. Ảnh:P.T

Có một điều rất tự hào là những người tạo nên những thương hiệu du lịch nổi tiếng ở Sơn Trạch và Phong Nha – Kẻ Bàng lại chính là những người con của quê hương Sơn Trạch, trong đó nhiều người xuất thân từ nông dân. Ngoài Nguyễn Châu Á (Giám đốc Công ty Oxalis) có thể kể đến Hồ Khanh, một người nông dân ở thôn Phong Nha. Tên tuổi của Hồ Khanh gắn liền với hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng vì là người đầu tiên phát hiện ra nó. Nhưng Hồ Khanh cũng nổi tiếng bởi là người đầu tiên ở xứ này đoạn tuyệt với kiếp nợ “lâm tặc” để làm du lịch. Hiện nay, ngoài vai trò là tổ trưởng tổ porter Oxalis, Hồ Khanh cũng đầu tư khu nghỉ dưỡng 10 phòng tại vườn nhà mang thương hiệu Hồ Khanh homestay. Homestay của Hồ Khanh lúc nào cũng kín khách, đa số là khách quốc tế. Hay như đôi vợ chồng nông dân trẻ Nguyễn Văn Quý lập nghiệp bằng việc mở quán bia lạnh và món gà nướng mọi dân dã nhưng cũng đã nổi tiếng đến tận trời Tây do cách phục vụ độc đáo, đậm chất nông dân của mình…

Một minh chứng rõ ràng nhất về “đẳng cấp” của du lịch Sơn Trạch là vào cuối tháng 2 vừa qua họ đã tiếp đón và làm hài lòng đoàn làm phim bom tấn “Kong: Skull Island”. Khác với dự đoán của nhiều người, đoàn làm phim với khoảng 300 người, trong đó có nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới như: Samuel L. Jackson, Jason Mitchell, Thomas Mann, nữ diễn viên Brie Larson (người vừa giành danh hiệu “Nữ diễn viên chính xuất sắc” của giải Oscar 2016)… đã không chọn những khách sạn 5 sao ở TP.Đồng Hới mà họ đã chọn Phong Nha – Kẻ Bàng (Sơn Trạch) làm nơi nghỉ trong những ngày quay phim ở Quảng Bình. Thời điểm đó khoảng 500 phòng khách sạn ở đây đã được đặt kín chỗ.

“Những người trong đoàn làm phim, kể cả các diễn viên siêu sao đều rất bình dị và thân thiện. Họ cũng rất hài lòng với sự phục vụ của chúng tôi. Trước khi rời khỏi khách sạn để ra Ninh Bình quay phim, họ nói với chúng tôi sẽ quay lại nơi này với tư cách cá nhân khi có điều kiện…” – chị Phan Thị Hồng Thắm- chủ khách sạn Phong Nha Lake House chia sẻ.

Theo: Phan Thanh

Dân Việt

Làng du lịch bên “tọa độ lửa” - 3