1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làn sóng “viễn chinh” của đại gia Việt

Năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân...

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang có xu hướng gia tăng, không chỉ ở các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước mà ở cả khu vực tư nhân. Ngày càng có nhiều đại gia Việt “viễn chinh” các vùng đất mới, ghi dấu ấn cho thương hiệu Việt.

GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư nói: “Các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên mạnh hơn. Từ một quốc gia chỉ biết nhận đầu tư, thậm chí nhận đầu tư bằng mọi giá, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường quốc tế”.

Tư nhân ghi dấu ấn

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Âu.

Họ cũng không chỉ tập trung ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp mà sang cả dịch vụ tài chính - ngân hàng, hàng không... Xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng ngày càng rõ nét.

Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư. Bên cạnh dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (Viettel, Vinamilk, các công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam, các ngân hàng có vốn nhà nước), thì đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng.

Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài (FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, Chuyển phát Tín Thành...). Vốn của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 11,5%.

Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lũy kế đến ngày 31/12/2014, đã có tổng cộng 19,78 tỷ USD được các doanh nghiệp Việt đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Số vốn giải ngân lũy kế tính đến hết năm 2014 vào khoảng 6 tỷ USD. Lợi nhuận chuyển về ước khoảng 800 - 900 triệu USD.

Còn các số liệu mới nhất về tình hình những tháng đầu năm 2015 cho thấy, hiện Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 15 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có 115 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 5 tỷ USD. Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm đến nay là 20 tỷ USD.

Bên cạnh thị trường truyền thống như Lào (có 259 dự án với 3,9 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 27% tổng số dự án và 26% tổng vốn đăng ký đầu tư), Campuchia (có 171 dự án và 3,2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 18% tổng số dự án và 22% tổng vốn đăng ký đầu tư), doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Nga 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 968 triệu USD, 2 dự án sang Venezuela với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD và 6 dự án sang Peru với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD tổng vốn đầu tư.

Một số thị trường khác cũng tập trung nhiều vốn như Angieri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ...

Cũng lắm rủi ro

“Xu hướng này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn tạo thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giữ vững quan hệ chính trị, đối ngoại với các nước bạn bè truyền thống”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, TS. Bùi Đức Thụ nói.

Cũng theo TS. Thụ, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây được tiến hành nhanh. Từ quá trình này, những lợi thế của nền kinh tế, của doanh nghiệp mới có cơ hội được phát huy đến mức tối đa. Đầu tư ra nước ngoài là cách để doanh nghiệp tham gia vào kinh tế thế giới, nhất là chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, “mang chuông đi đánh xứ người” cũng lắm rủi ro.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng kể rằng có lần phải nuốt nước mắt nhìn cảnh không ít doanh nghiệp của tỉnh mình đã trắng tay, sau khi cầm cố tài sản vay tiền sang nước láng giềng Campuchia trồng cao su.

Những rủi ro khác có thể kể đến trong các cuộc “viễn chinh” này là một số dự án không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, chậm tiến độ do những biến động của môi trường đầu tư, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả...

Một số doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn khi giá thuê đất tăng cao, sự khác biệt về chính sách quản lý và thủ tục đầu tư. Sự tham gia của các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán hay cơ quan thương vụ chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án.

Vì vậy, như kiến nghị của TS. Thụ, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý đến việc cung cấp thông tin về môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, để đầu tư vào địa bàn, ngành nghề hay những lĩnh vực cần thiết và có hiệu quả theo đúng định hướng của Nhà nước, các bộ, ngành cần phải rà soát lại các quy trình, thủ tục hành chính với đầu tư ra nước ngoài, để bảo đảm sự đồng bộ về mặt chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động này.

Theo Đoàn Trần
Vneconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm