Làn sóng đầu tư BĐS vẫn đổ vào Việt Nam

(Dân trí) - Thị trường BĐS tiếp tục nóng bỏng, sự chệnh lệch quá lớn giữa cung và cầu đã và đang là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia. Một số xu hướng phát triển thị trường trong năm 2008 đã được định hình.

Thị trường tiếp tục nóng

Theo các chuyên gia CBRE, trong năm 2008, TPHCM tiếp tục nóng bỏng đối với các dự án nhà ở có chất lượng và giá cả phù hợp. Việc xếp hàng để mua căn hộ trong các dự án như Vista, Keppel và Estelle, Hoàng Anh Gia Lai và Phú Mỹ Hưng trong năm vừa qua đã chứng tỏ điều đó.

Hà Nội hiện giờ vẫn không được đánh giá cao nhưng có thể thấy được tiềm năng với các dự án trong tương lai như Golden Westlake, Hanoi Indochina Plaza, Keangnam, và Hanoi Landmark.

Những nhà bán lẻ nổi tiếng như Central từ Thái Lan, Carrefour từ Pháp, Takashimaya từ Nhật, và Wal-Mart từ Mỹ đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường thì Lotte từ Hàn Quốc và Parkson từ Malaysia đã tiến hành hoạt động với rất nhiều dự án trên khắp Việt Nam, tập trung tại Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng.

Trong tương lai trước mắt, các dự án tổ hợp đa năng có quy mô lớn sẽ được phát triển tại các khu vực bên ngoài trung tâm thành phố như khu vực quận Tân Bình (C.T Plaza), quận 11 (Saigon Palace), quận 7 (Phú Mỹ Hưng với 10 tòa tháp) tại TPHCM.

Tại Hà Nội, ở khu vực Hồ Tây, Mỹ Đình có những dự án như Keangnam Hanoi Landmark Tower trên đường Phạm Hùng, The Landmark trên đường Liễu Giai, dự án Hanoi Indochina Plaza trên đường Xuân Thủy…

Sự phát triển ra bên ngoài trung tâm sẽ trở thành xu hướng chung với việc Hà Nội mở rộng ra phía tây và TPHCM mở rộng ra vài hướng phía ngoài. Việc mở rộng này đã giải quyết được khó khăn về việc tìm kiếm những văn phòng có giá thuê thấp và diện tích lớn.

Năm 2008, các dự án không chỉ còn tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM mà đã lan tỏa đến các thành phố đầy tiềm năng khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào BĐS vẫn tiếp tục mạnh mẽ.

Các nhà đầu tư luôn săn đón thị trường

Hiện nay, các tập đoàn khách sạn quốc tế như Accor, InterContinential Hotels Group… các đại gia đến từ Trung Đông như IFA, Kingdom Hotel Investment… các quỹ đầu tư với nguồn lực tài chính lớn mạnh như Indochina Capital, Vina Capital… đã có mặt tại Việt Nam với những dự án đầu tư BĐS và tiếp tục có kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Nhưng việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh không làm cản trở các nhà đầu tư trong nước tiến hành các kế hoạch đầu tư của mình. Gần đây các tên tuổi lớn trong nước như FPT, Viglacera, Lilama, Hapro, Bitexco … đều thành lập các công ty để tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực bất động sản.

Thế mạnh của họ chính là việc sở hữu các khu đất tại những vị trí đẹp bên cạnh các điểm mạnh khác như tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ, am hiểu phong cách làm việc và văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Một số dự án của các chủ đầu tư trong nước được biết đến đó là Vincom City Towers, Viglacera Tower, CEO Tower, Kinh Đô Tower, Việt Tower, Opera Business Centre…

Mặc dù là một thị trường hấp dẫn nhưng trên thực tế việc đầu tư vào thị trường BĐS phải đối mặt với không ít khó khăn. Cụ thể là quỹ đất trong khu vực trung tâm hạn chế. Giá đất trên thị trường cao; Vấn đề cơ sở vật chất hạ tầng cũng như là giao thông đi lại, tiếp cận dự án, giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó là vấn đề thủ tục giấy tờ, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với các nhà đầu tư trong nước thì thường gặp khó khăn về vốn.

Bởi vậy, việc Chính phủ có những chính sách quy hoạch cụ thể, đồng bộ là rất quan trọng mang lại cơ hội một cách đồng đều cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và tạo ra những tác động tích cực lên thị trường.

Lan Hương