Làm sao để quản lý hiệu quả thị trường cho vay tín dụng?
Một hành lang pháp lý đủ mạnh ngoài “dẫn đường” cho kênh tài chính tiêu dùng phát triển, còn là kim chỉ nam để các bên liên quan tuân thủ nghiêm túc các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng vay tiêu dùng.
Xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh
Thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp khách hàng chây ì hoặc bỏ trốn thì các tổ chức cho vay sẽ “mất trắng” hoặc phải trải qua quá trình thu nợ kéo dài, chi phí bỏ ra để thu nợ còn lớn gấp nhiều lần khoản nợ. Đây là bất cập cần sớm có sự nhập cuộc của các cơ quan liên quan, có như vậy thì các vụ việc liên quan tới vay tiêu dùng mới xử lý dứt điểm được.
Theo giới chuyên gia kinh tế, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý một cách thích đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, thu hút khách hàng tham gia.
Một khi đã hình thành được hệ thống chính sách khuyến khích, thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ trở nên sôi động, cạnh tranh công bằng và lành mạnh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng. Theo đó, lượng lớn khách hàng “dưới chuẩn” cấp tín dụng của ngân hàng sẽ được các công ty tài chính đáp ứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần chống cho vay nặng lãi.
Một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và đa dạng sẽ làm gia tăng chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất, thêm nhiều lựa chọn cho người dân, khích lệ người dân sử dụng dịch vụ, góp phần kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Cần tới sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên tham gia
Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý và phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành các nhóm quy định khác nhau gồm: Nhóm quy định dựa trên sản phẩm, Nhóm quy định dựa trên nhà cung cấp và Nhóm quy định dựa trên việc minh bạch thông tin. Đặc biệt, là các quy định về việc cung cấp thông tin cho người đi vay để họ có thể ra quyết định chính xác về khoản vay, cũng như hợp đồng tín dụng được các nước áp dụng nhiều nhất.
Tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng bắt đầu hình thành từ năm 2009 và cho đến nay, số lượng công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này hiện vẫn còn rất ít, cho nên cần có chính sách phù hợp để tạo lập thị trường tài chính năng động. Theo giới chuyên gia, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này cần sớm xây dựng khung pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Trong đó, phải tách biệt với hệ thống quy định điều chỉnh đối với ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và có tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách phù hợp để giúp giảm chi phí đầu vào cho các khoản vay tiêu dùng. Theo đó, cần có cơ chế để giảm chi phí thu thập thông tin tín dụng khách hàng do lượng khách hàng của các công ty tài chính là rất lớn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để chuẩn hoá và cập nhật dữ liệu công dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính tiêu dùng nói riêng.
Một trong những vấn đề nhằm quản lý linh hoạt thị trường tín dụng tiêu dùng là sớm bổ sung chế tài xử lý các hình thức niêm yết lãi suất cho vay không minh bạch trên thị trường để bảo đảm quyền lợi cho các công ty tuân thủ nghiêm túc pháp luật, cũng như bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Đặc biệt, mức độ giám sát đối với các công ty tài chính tiêu dùng cũng cần phù hợp hơn, qua đó vừa đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ thị trường phát triển và mang lại những lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Công ty tài chính cần phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực, một chiều, gây bất lợi trong dư luận.
Làm được như vậy, uy tín, vai trò của công ty tài chính tiêu dùng mới được thể hiện, tạo động lực tham gia vào quá trình giao lưu hàng hóa, mang lại những thuận lợi nhất định cho người tiêu dùng nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
PV