1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Làm sao để người Việt mua hàng Việt bằng "cái đầu" và "dạ dày"

(Dân trí) - Để thuyết phục người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, cần tạo ra lợi thế cạnh tranh về cả chất lượng và giá cả để tạo lòng tin của người tiêu dùng, khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trước hết phải nhắm vào yếu tố kinh tế, tạo ra sự hấp dẫn với người tiêu dùng. Nếu hai mặt hàng tốt như nhau, thì mặt hàng nào rẻ hơn người ta sẽ lựa chọn để mua mà không cần quan tâm hàng từ đâu. Trong trường hợp nếu hai mặt hàng tốt như nhau, rẻ như nhau thì người tiêu dùng mua mặt hàng nào là do yếu tố xã hội tác động.

Làm sao để người Việt mua hàng Việt bằng cái đầu và dạ dày
Hàng nông sản Việt Nam đã vượt xa nhu cầu trong nước và đang được xuất khẩu sang 128 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam diễn ra sáng 10/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban vận động người Việt dùng hàng Việt, cho rằng cuộc vận động này bị chi phối bởi hai quy luật là quy luật kinh tế và quy luật tâm lý.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 

“Không ai có thể nói người Mỹ không yêu nước nhưng cuối cùng họ vẫn mua hàng của Nhật như tivi, ô tô,… vì hàng Nhật tốt hơn và có giá rẻ hơn bởi theo quy luật kinh tế, túi tiền có hạn, nếu họ mua xe của Mỹ để được gọi là “yêu nước” thì sẽ không còn tiền mua thức ăn. Miệng nói là yêu nước và có tấm lòng thật nhưng khi mua hàng thì mua theo “dạ dày”. Nên cuộc vận động này làm sao để người tiêu dùng mua hàng Việt bằng “đầu” và “dạ dày”. Nếu kết hợp được hai yếu tố này thì cuộc vận động mới lâu dài và hiệu quả,” ông Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban vận động nhấn mạnh.

Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ NN&PTNT đã thực hiện nhiều hoạt động như tuyên truyền, tổ chức hội chợ quảng bá thương hiệu, hội thảo bàn những vướng mắc và giải pháp.

Bộ đã phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hình thành mô hình đối tác công tư (PPP) trong tổ chức chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản và hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở ĐBSCL; mô hình liên kết sản xuất mía đường ở các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bình Định…; mô hình vùng nuôi tôm gắn với cơ sở chế biến cá tra, cá ba sa, tôm nuôi công nghiệp vùng ĐBSCL, mô hình liên kết sản xuất lúa giống tại Thái Bình; mô hình liên kết trồng cây bông vải tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; mô hình liên kết trồng rừng kinh tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc; mô hình liên kết trồng hoa, rau tại Đà Lạt – Lâm Đồng; mô hình liên kết sản xuất, chế biến sữa Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội), Củ Chi (TPHCM), Lâm Đồng…. Các chuỗi liên kết này đã đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, tính cạnh tranh cao, tạo cơ hội cho người nông dân tham gia vào sản xuất hàng hóa và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các địa phương cung cấp hỗ trợ tài chính cho 79 tổ chức cá nhân trong cả nước sản xuất 10.000 sản phẩm và vật tư nông nghiệp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến ngày 31/3/2013 tổng dư nợ cho vay theo chủ trương này là 1.328,7 tỷ đồng, với 44 doanh nghiệp, 3 HTX, hơn 7.300 hộ gia đình và cá nhân đang có dư nợ.

Nhiều hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có chất lượng tốt và uy tín nên thời gian qua Trung Quốc đã làm nhái một số sản phẩm nông sản của nước ta. Đã có công ty ca cao của Châu Phi sang Việt Nam làm nhái thương hiệu Việt để bán hàng.

Tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn những hoài nghi nhất định về chất lượng một số hàng nông sản của nước ta do công tác kiểm tra đánh giá chất lượng sản phấp ở cấp địa phương còn hạn chế. Việc công khai các cơ sở loại C và tái kiểm tra các cơ sở này hầu như chưa được thực hiện nên tình hình ATTP chưa cải thiện rõ nét. Giá thành một số hàng vẫn còn cao, số lượng mặt hàng chưa đa dạng, phong phú chất lượng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Tình trạng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường vẫn diễn ra khá phổ biến, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh với sản xuất trong nước và ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung sản xuất vào những ngành có thế mạnh như gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản, hoa, rau, củ, quả… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và chiếm lĩnh thị trương xuất khẩu,” ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết.

Để cải thiện lòng tin của người tiêu dùng vào nông sản Việt Nam thì Bộ NN&PTNT xác định nhiệm vụ xuyên suốt là sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng tốt hơn, trong đó đảm bảo ATTP là nhiệm vụ số một của toàn ngành.

Bộ sẽ thúc đẩy liên kết nông dân với doanh nghiệp để nhiều hộ trồng trên cánh đồng lớn cùng một giống theo một quy trình cho một đơn đặt hàng để tạo dựng thương hiệu gạo của Việt Nam, kết hợp với hỗ trợ chỉ dẫn địa lý và xúc tiến thương mại.

“Chúng ta luôn có lợi thế trong nông nghiệp so với nhiều nước trên thế giới. Hiện nay chi phí cho 1 giờ công lao động ở nước ta chưa đến 1 USD và như vậy một tháng chỉ mất 250 USD (khoảng hơn 5 triệu đồng), chi phí này là quá thấp. Trong khi đó thế giới chi phí cao gấp 10-15 lần, như ở Mỹ là 10 USD -15 USD/giờ, ở châu Âu là 12 EURO - 15 EURO/giờ. Đây là lợi thế của nước nghèo, chúng ta có khả năng cạnh tranh rất lớn và cần phải phát huy,” ông Nhân nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước