Làm rõ các vi phạm tại dự án được bù lỗ giá điện khủng

Liên quan đến dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, dự kiến được bù lỗ giá điện khủng nhưng vẫn chậm tiến độ, bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, vì "chậm tiến độ có khi cũng là một sự lãng phí rất lớn”.


Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc xử lý các dự án thua lỗ, không hiệu quả. Do đó đối với các dự án có dấu hiệu nhận được sự "ưu ái" nhưng chậm tiến độ, có vi phạm thì phải sớm vào cuộc làm rõ.

Về phản ánh của dư luận đối với dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Cty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân thực hiện, dự kiến được bù lỗ giá điện lớn, bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KH, CN &MT của Quốc hội nói rằng: “Phải xem xét việc hỗ trợ giá điện đó có đúng không? Các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề mà dư luận đã phản ánh”.

“Nếu nhà thầu mà không đảm bảo năng lực mà lại được giao thực hiện dự án thì phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng”, bà Khánh nói. Theo bà Khánh, thời gian qua Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh rất quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc. Do đó, với dự án này khi báo chí đã phản ánh thì bộ và các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc làm rõ và trả lời thông tin cho dư luận biết.

doanh nghiệp tư nhân nhưng khi thực hiện dự án điện phân nhôm, Cty Trần Hồng Quân đã nhận được những ưu đãi đầu tư đặc biệt, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; Áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế…

Đặc biệt, về đầu tư điện và giá điện thì EVN chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 KV đến điểm đấu nối trạm biến áp của nhà máy. Dự án được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kw (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cen /kwh) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Sau giai đoạn trên , giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 9/2014. Tiến độ xây dựng nhà máy được thực hiện 3 phân kỳ trong 4 năm. Phân kỳ 1 thời gian thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016 với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 2 thực hiện trong năm 2017 với công suất tổng cộng 300.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 3 thực hiện trong năm 2018 hoàn thiện tổng công suất thiết kế 450.000 tấn sản phẩm/năm.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang là một công trường ngổn ngang, nhiều nhà xưởng mới chỉ có khung sắt. Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’ Lấp cho biết dự án đang bị chậm tiến độ mới chỉ đạt khoảng hơn 60% khối lượng, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ đưa lò điện phân đầu tiên vào hoạt động.

Ông Lê Hoàng, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, dự án cuối năm 2018 đưa vào vận hành là khó khả thi bởi việc đầu tư đường vào dự án đang thiếu vốn và do thời tiết thất thường làm chậm tiến độ.

Theo: Văn Kiên

Tiền Phong