Lạm phát - Tin vui cho kinh tế Nhật Bản?
(Dân trí) - Lạm phát đang là vấn đề đau đầu của nhiều nước trên thế giới, nhưng với Nhật Bản đây lại là…chuyện lạ, vì đất nước này đã phải “chiến đấu” với giảm phát trong suốt một thập kỷ qua.
Những ngày này, nếu hỏi chuyện bất cứ người tiêu dùng Nhật Bản nào, gần như chắc chắn bạn sẽ nghe được ít nhất là một lời phàn nàn về tình trạng giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt.
Người tiêu dùng Nhật Bản hiện phải trả gần 1,7 USD/lít xăng, đồng thời chứng kiến giá xì dầu và bánh mỳ đã tăng 10-30% từ đầu năm đến nay. Việc này có thể khiến bạn suy luận đơn giản rằng người dân Nhật sẽ cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lại thấy đây là một điều tốt cho nền kinh tế Nhật Bản, vì khi đất nước phải gồng mình kiềm chế giảm phát thì đa số người tiêu dùng dự đoán giá cả sẽ còn giảm. Kết quả là họ tăng cường dự trữ tiền mặt và tạm hoãn các kế hoạch mua xe ô tô hay máy giặt mới để chờ giá giảm thêm.
Giờ đây, khi giá đột nhiên tăng, nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ có phản ứng ngược lại, do lo lắng giá tăng.
Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Tantallon Research Japan, nhà kinh tế Jesper Koll, nhận định: “Lạm phát là một giấc mơ đã trở thành hiện thực của Nhật Bản”.
Lạm phát có thực sự là tin vui?
Vui mừng trước tình trạng lạm phát không phải là một điều gì đó bình thường, đặc biệt là khi tốc độ tăng lương ở Nhật Bản hiện vẫn khá chậm. Dù vậy, điều này là đúng trong ngắn hạn, với một đất nước đã phải “chiến đấu” quá lâu với giảm phát. Vậy nhưng thực tế là không có nhiều người tiêu dùng Nhật Bản vội vã đi mua sắm khi thấy giá cả tăng.
Tháng 5/2008, tổng chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của chính phủ. “Thói quen mua sắm của tôi chẳng thay đổi nhiều. Đúng là gần đây tôi có mua ngũ cốc, bột cà ri và xì dầu nhiều hơn trước, nhưng cũng chỉ hạn chế ở những thứ có thể tích trữ vì nhà tôi không rộng lắm nên không thể có đủ chỗ chứa,” bà nội trợ Mari Yamaguchi, 30 tuổi sống tại Tokyo, nói.
Nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng Nhật chẳng có lý do gì để lo tình trạng lạm phát sẽ lan rộng. Thực tế là trong tháng 5/2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đã tăng 1,5% - mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, nhưng đó là do một số thay đổi về thuế. Chỉ số giá bán buôn cũng đã tăng 5,6% trong tháng 6 - mức cao nhất trong vòng 27 năm trở lại đây, sau khi đã tăng 4,8% trong tháng 5, theo số liệu công bố ngày 10/7 của Ngân hàng Nhật Bản. Nhưng ông Masaaki Kanno, kinh tế trưởng của JPMorgan tại Tokyo, cho rằng nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng thì CPI của Nhật Bản vẫn chỉ tăng 0,1%. Ông cũng dự đoán việc tăng giá thực phẩm và năng lượng sẽ không lan truyền sang các mặt hàng khác.
Dù vậy, thực tế đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tình trạng tăng giá cả hàng hoá sắp diễn ra tại Nhật Bản. Gần đây, nhiều công ty đã phải cố gánh chi phí cao chỉ vì sợ mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh, nhưng điều này không thể duy trì lâu.
Tháng trước, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin Toyota Motor đang cân nhắc việc tăng giá tất cả các loại xe tiêu thụ nội địa trong thời gian tới. Lần cuối cùng Toyota tăng giá là từ năm 1974. Toyota là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản nên nếu họ làm như vậy thì các nhà sản xuất khác coi như đã được “mở đường”.
Hôm 24/6, Giám đốc điều hành Nissan, ông Carlos Ghosn, cũng cho biết họ đang cân nhắc tăng giá xe tại Nhật Bản, và khuyên các nhà sản xuất khác nên có biện pháp tương tự để đối phó với việc giá vật liệu đầu vào tăng.
Tiền không còn nhàn rỗi
Ông Koll của công ty tư vấn đầu tư Tantallon Research Japan và một số nhà kinh tế khác cho rằng gần một nửa trong tổng số tiền dự trữ khoảng 14 nghìn tỷ USD của các hộ gia đình Nhật Bản đang được cất giữ dưới dạng tiền mặt, chủ yếu là gửi tiết kiệm lãi suất thấp ở ngân hàng, thường là dưới 1%/năm. Mức lãi suất “bèo bọt” này không được chú ý tới trong thời gian giảm phát, vì giá trị tiền tiết kiệm của người dân trên thực tế vẫn tăng. Nhưng khi nền kinh tế rơi vào lạm phát, họ có thể nghĩ khác.
Tình hình lạm phát có thể khiến người tiêu dùng nghĩ đến việc rút tiền tiết kiệm để chuyển sang một số hình thức đầu tư khác đem lại lợi nhuận cao hơn.
Nhìn từ phía doanh nghiệp
Giới đầu tư đang hy vọng rằng lạm phát có thể giúp tăng lợi nhuận của họ tại các công ty Nhật Bản. Trong một thông báo gần đây gửi khách hàng, Virgil Adams, một chuyên viên phân tích cấp cao của công ty Matthews International Capital Management, đã dự đoán tình hình lạm phát tại Nhật Bản sẽ kích thích quá trình “tiến hoá” của doanh nghiệp Nhật Bản. Những công ty không đủ khả năng cạnh tranh khi chi phí tăng cao có thể sẽ phải tính đến giải pháp sáp nhập với công ty khác để khai thác lợi thế quy mô.
Theo ông Adams, sự bất hợp lý đang tồn tại trong một số ngành, như dược, với 1.200 nhà sản xuất khác nhau, trong khi 3 nhà sản xuất dược lớn nhất Nhật Bản cộng lại mới chỉ bằng một nửa quy mô của tập đoàn Johnson & Johnson. Doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Nhật Bản có quy mô cũng chỉ bằng 10% công ty lớn nhất của Mỹ.
Đặng Lê
Theo Business Week