Lạm phát thấp nhưng đời sống rất khó khăn

(Dân trí) - Tốc độ tăng giá 6 tháng và dự báo cả năm 2009 ở mức 1 con số là một trong những điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy lạm phát thấp nhưng giá thành đang đứng ở ngưỡng rất cao so với thu nhập khiến đời sống người dân rất khó khăn.

Lạm phát thấp nhưng đời sống rất khó khăn - 1
Dự báo CPI từ nay đến cuối năm còn tăng nhưng vẫn ở mức 1 con số (ảnh: Hoài Lương).
 
Đây là một trong những nhận định của giới chuyên gia tham dự Hội thảo Phân tích diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2009 do Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả (NCKHTTGC - Bộ Tài chính) tổ chức ngày 16/7.

TS. Vũ Đình Ánh, Viện NCKHTTGC cho hay: Nếu diễn biến thị trường giá cả năm 2008 vượt ra khỏi qui luật thông thường và kết quả là lạm phát cả năm tăng đột biến thì sang 2009, tính qui luật của nó lại được phục hồi.
 
Giá cả có xu hướng tăng cao trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của tiêu dùng dịp Tết, sau đó giảm trong tháng 3 rồi tăng đều đặn đến tháng 7 trước khi tăng nhẹ hơn trong những tháng 8 - 10 và lại tăng cao trong 2 tháng cuối năm dưới áp lực chi tiêu dùng và đầu tư.
 
“Nếu tính qui luật được củng cố trong những tháng còn lại của năm 2009 thì có thể dự báo CPI cả năm đứng ở mức giữa năm 2005 và 2006. Nói cách khác, CPI năm 2009 khoảng 7% - đạt mục tiêu lạm phát cả năm vừa được Quốc hội điều chỉnh”, TS. Vũ Đình Ánh dự báo.
 
Do Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn các nguyên nhiên liệu cơ bản (trong đó có xăng dầu) nên áp lực tăng giá trong nước do giá thế giới tăng vẫn rất nặng nề. Chỉ số giá cả (CPI) 6 tháng đầu năm tăng 2,68% so với cuối năm 2008 rất đẹp nhưng xét trên thực tế thói quen mua sắm của người dân đã thấy khác.
 
Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chỉ ra rằng: Ở một số tỉnh phía nam, người dân cố gắng chỉ dùng 17.000 đồng/tháng tiền điện, bữa ăn công nhân chỉ đáng giá 7.000 đồng, trẻ em chỉ quen ăn mì tôm. Tại Hà Nội, các gia đình đi siêu thị chủ yếu mua thức ăn chứ không phải sắm đồ tiêu dùng nâng cao đời sống.
 
“Trong những tháng cuối năm 2009, Việt Nam sẽ chịu áp lực tăng giá nguyên liệu cơ bản do tiếp tục phải nhập khẩu và điều này tác động lên giá thành sản phẩm trong nước. Điều này dự báo đời sống của người dân tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phú nhấn mạnh.

Tiêu dùng cá nhân (bộ phận trong tài khoản quốc gia), theo TS. Ánh “không những không tăng mà còn giảm tới 10% so với cùng kỳ năm 2008, trong khi tiêu dùng cá nhân thường xuyên chiếm tới 2/3 GDP”.
 
Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn từ nay đến cuối năm, giá sẽ tăng nhẹ, ổn định ở thị trường bất động sản, vàng, xăng dầu, thực phẩm và giao thông vận tải, năng lượng điện…
 
Ngược lại, xu hướng giảm giá sẽ đậm hơn ở các mặt hàng cước viễn thông, hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng, xe máy, một số hàng hoá và dịch vụ ngoại nhập trong danh mục giảm thuế theo lộ trình cam kết trong khuôn khổ WTO, ATFA…
 
Tuy Việt Nam đang kiểm soát khá tốt giá cả, nhưng nguy cơ tái lạm phát là có thực. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê): “Hiện nay chính sách tiền tệ, tài chính đang được nới lỏng hơn nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thận trọng theo sự biến động của thị trường trong nước và ngoài nước để chủ động ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại sau giai đoạn kích cầu.
 
Việc điều chỉnh giá tăng một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường cũng cần phải có lộ trình tránh gây sốc cho thị trường, tạo tâm lý lo ngại cho người dân và tạo cơ hội cho đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên”.
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm