Lạm phát tháng 5 dự kiến tăng trở lại

(Dân trí) - Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, trong tháng tới, CPI sẽ tăng cao hơn do tác động của tăng giá xăng dầu và tăng lương cơ bản cộng với các điều chỉnh giá tại những loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Lạm phát tháng 5 dự kiến tăng trở lại

Xăng dầu sẽ "ngấm" vào lạm phát sau hai lần tăng giá vào tháng 5.

Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước, dự kiến tháng 5 tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sẽ tăng khoảng 0,15-0,2% so với tháng 4.

Đánh giá cả các thành viên trong Tổ điều hành dựa trên nhận định cho rằng, trong tháng tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu  cuối tháng 4, việc tăng lương cơ bản  từ 1/5.

Đồng thời, thời tiết chuyển mùa nắng nóng cùng kỳ nghỉ lễ dài 30/4-1/5 cũng sẽ khuyến khích các hoạt động du lịch lữ hành, giá vận tải, dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng. Bên cạnh đó, một số địa phương tiếp tục điều chỉnh tăng học phí…

Tất cả các yếu tố kể trên đều sẽ đóng góp vào việc kích chỉ số giá tiêu dùng tăng so với những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, do sức tiêu thụ hàng hóa vẫn chậm nên sự ảnh hưởng của các yếu tố cũng sẽ bị hạn chế hơn so với các năm khác.

CPI tháng 4 tăng thấp bất ngờ!

Đánh giá về mức tăng 0,05% của tháng 4, Tổ điều hành cho rằng, “đây là mức tăng khá thấp và bất ngờ sau đợt tăng giá mạnh của giá xăng dầu đầu tháng 3”.

Điểm đáng chú ý là nếu xét theo vùng kinh tế thì CPI giảm tại nhiều vùng như Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Đông bắc, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức giảm từ 0,06 đến 0,16%.

Như vậy, 4 tháng đầu năm, CPI tăng 2,6% so với tháng 12/2011, trong đó, theo đánh giá của Tổ điều hành thì việc nhóm lương thực giảm liên tục (giảm 3,41%) và nhóm thực phẩm giảm trong 2 tháng trở lại đây đã là nhân tố rất quan trọng giúp CPI chung tăng thấp.

Các nhóm tăng cao là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 6,16%), nhóm giao thông (tăng 4,7%) do việc tăng giá của các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản như xăng dầu, gas, điện, than, nước sạch… Các chi phí chung này tăng cũng là yếu tố đẩy nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng cao (tăng 5,33% mặc dù nhóm lương thực, thực phẩm tăng thấp).

Cầu thị trường thấp khiến tăng giá xăng dầu chưa đủ tác động lớn lên CPI

Nếu như 3 tháng đầu năm, cầu thị trường trong nước xuống thấp, khiến GDP cả nước tăng thấp nhất trong vòng 3 năm thì đến tháng 4, sức mua hàng hóa trên thị trường đã có xu hướng tăng trở lại do có nghỉ lễ 10/3 Âm lịch và các hoạt động khuyến mại chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5.

Tuy nhiên, theo Tổ điều hành thì mức tăng này vẫn không đáng kể do tình hình sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn.

Nhìn chung, thị trường tiếp tục kém sôi động, tiêu thụ các mặt hàng từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng và phục vụ sản xuất như sắt thép, xi măng… đều chậm. Chính vì vậy, mặc dù việc tăng giá xăng dầu trong nước đầu tháng 3 được dự báo sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhưng trên thực tế giá hàng hóa đã không thể tăng do sức mua yếu, giá xăng dầu gần như chỉ tác động đến giá cước vận tải, chi phí vận chuyển và các dịch vụ khác.

Đến cuối tháng 4 (ngày 20/4), một lần nữa giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhưng với mức tăng thấp hơn lần điều chỉnh trước và mức độ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa nói chung cũng chưa nhiều – theo các thành viên của Tổ điều hành thị trường trong nước.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm