1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lạm phát hai tháng đầu thường chiếm 26% cả năm

(Dân trí) - Mặt bằng giá thị trường dự kiến trong năm nay sẽ không biến động nhiều, tuy nhiên, CPI phụ thuộc lớn vào sự điều hành của Nhà nước trong giá hàng hóa, dịch vụ công cũng như hoạt động cung tiền ra nền kinh tế.

Lạm phát 2 tháng đầu năm đã tăng xấp xỉ 2,6% so với đầu năm
Lạm phát 2 tháng đầu năm đã tăng xấp xỉ 2,6% so với đầu năm.

Cẩn trọng trong cung tiền ra lưu thông xử nợ xấu, cứu bất động sản

Trong 2 tháng vừa qua, mặc dù lạm phát ở mức cao so với mục tiêu cả năm (6-6,5%), song theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS), mức này chưa thực sự đáng ngại.

Phân tích các nhân tố chính tác động đến lạm phát Việt Nam trong năm nay, cơ quan này cho rằng, tác động của lạm phát cầu kéo là không quá lớn do tổng cầu còn khá yếu. Trong khi đó, lạm phát chi phí đẩy chưa đáng lo ngại do giá cả hàng hóa thế giới sẽ tương đối ổn định trong năm 2012. Vì vậy, việc kiểm soát lạm phát chi phí đẩy của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào chính sách quản lý giá.

Theo đánh giá mới nhất của World Bank, giá cả hàng hóa trong năm 2013 sẽ không có sự biến động lớn. Mặc dù một số chuyên gia cho rằng giá lương thực trên thị trường thế giới năm nay sẽ tăng, song giá gạo sẽ không tăng. Việt Nam và một số nước Đông Nam Á sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá lương thực.

Trong khi đó, yếu tố tiền tệ lại đang tạo nên những áp lực nhất định. Cụ thể, cung tiền (M2) đã tăng trên 22% trong năm ngoái, so mức tăng 12,5% trong năm 2011, phần nào sẽ ảnh hưởng đến lạm phát 2013 với độ trễ khoảng 6 tháng.

Lạm phát cơ bản sau khi được duy trì ổn định quanh mức 8% trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8/2012 đã bắt đầu xu hướng tăng dần lên mức 10% trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11/2012 và duy trì ở mức 12% kể từ tháng 12 cho đến nay. Theo lưu ý của UBGS, lạm phát cơ bản cao một phần do điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế. Nếu loại trừ yếu tố này, lạm phát cơ bản của năm 2012 sẽ ở mức thấp hơn (khoảng 10% so với năm 2011).

UBGS cho rằng, việc thực hiện các kế hoạch giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 01 và 02 cũng như quá trình xử lý nợ xấu cần tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát của cả năm 2013.

Lạm phát tháng 2 qua các năm.
Lạm phát tháng 2 qua các năm.

Tạo "gói bình ổn giá" với điện, xăng dầu, các dịch vụ công

Cơ quan này cũng tính toán, nếu VND giảm giá 3% sẽ góp phần làm CPI tăng thêm khoảng 0,3-0,4%. Trong khi đó, nếu giá điện tăng 10% thì CPI tăng thêm 0,4% gà giá xăng tăng khoảng 5% thì CPI tăng thêm 0,1-0,15%.

Như vậy, chỉ tính riêng 3 yếu tố này nếu được điều chỉnh vào cùng thời điểm thì sẽ góp phần làm CPI tăng khoảng 0,8-1%.

UBGS khuyến nghị, việc điều chỉnh tỷ giá cũng như giá điện, nước và các dịch vụ công khác cần phải cẩn trọng và có sự phối hợp chặt chẽ.

Theo các nghiên cứu trước đây của UBGS, mức ảnh hưởng về mặt định lượng của từng yếu tố trên đến lạm phát tổng thể là không quá lớn, song việc điều chỉnh sẽ có tác động nhiều đến lạm phát kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012.

Cơ quan này giám sát tài chính khuyến nghị, trong điều hành, Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để tạo một "gói bình ổn giá" trong đó bao gồm các loại lộ trình tăng giá xăng, dầu, giá điện, giá dịch vụ công... nhằm phân bổ hợp lý hơn việc tăng giá (nếu cần thiết). Theo đó, tăng giá sẽ chia đều cho các tháng, tránh tập trung vào các tháng có CPI tăng cao theo tính chất mùa vụ hoặc vào những thời điểm nhạy cảm làm gia tăng kỳ vọng lạm phát.

Cũng theo nhận định của Ủy ban, lạm phát chi phí đẩy chủ yếu phụ thuộc vào sự phối hợp trong điều hành chính sách, và đây có lẽ là nhân tố cần được đặc biệt quan tâm đối với công tác quản lý giá trong thời gian tới. 

Lạm phát 2 tháng đầu năm đã tăng xấp xỉ 2,6% so với đầu năm. Xem xét quy luật trong 5 năm trở lại, tốc độ tăng CPI của 2 tháng đầu năm chiếm khoảng 26% của cả năm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, không loại trừ nguy cơ, lạm phát sẽ tăng cao trở lại.

Bích Diệp