"Lạm phát đã ở mức rất thấp trong 10 năm"

(Dân trí) - Trong khi chỉ tiêu lạm phát được kiểm soát, lãi suất được điều chỉnh giảm 3-5% thì với khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,43%, tốc độ tăng DN đóng cửa cao hơn so với tốc độ tăng thành lập DN mới.

Tốc độ chuyển biến của nền kinh tế còn chậm.
Tốc độ chuyển biến của nền kinh tế còn chậm.

Theo đánh giá đưa ra báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp ngày 26/10/2013, với mức tăng 5,92% so cùng kỳ của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2013, lạm phát đã xuống mức rất thấp trong vòng 1 thập kỷ. 

Bình quân 10 tháng, CPI tăng 6,74%. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm trước, trừ năm 2009 (tăng 2,99%), thì CPI tháng 10 các năm 2004-2012 dao động trong khoảng 6,55-26,72%. 

So với tháng 12/2012, CPI tháng 10/2013 tăng 5,14%, tương đương cùng kỳ năm 2012 (5,13%) nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó: CPI tháng 10 so với tháng 12 năm trước các năm 2011, 2010 lần lượt: 17,05% và 7,58%.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý đến xu hướng CPI tăng trở lại trong tháng 8 (tăng 0,83%) và tháng 9 (tăng 1,06%). Nguyên nhân chủ yếu do tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục và ảnh hưởng của thiên tai.

Trong những tháng cuối năm, cơ quan này cảnh báo vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, do đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra cần phải tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả với các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước nhưng còn thấp so với mục tiêu của năm 2013 chủ yếu do nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa có điều kiện xử lý triệt để, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu.

Tính đến 21/10/2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng ước tăng 6,43% so với tháng 12/2012, còn cách rất xa so với mục tiêu 12% của cả năm. Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 11,47%.

Báo cáo của Bộ KHĐT cũng cho biết, cùng với việc giảm lãi suất, trong 10 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.  

Mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm so với đầu năm. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng đã được giảm.

Gần 12.000 doanh nghiệp "hồi sinh"

Chính sách hạ lãi suất tuy có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên, qua tình trạng tín dụng cho vay tăng trưởng thấp cũng phản ánh sự hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang có vấn đề, hay nói cách khác, "sức khỏe" các doanh nghiệp chưa được phục hồi.

Điểm tích cực là so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng tăng dần, 10 tháng tăng 9%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng, 10 tháng khoảng 11.750 doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới vẫn giảm (10 tháng giảm 19,3%) và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ (10 tháng tăng 12,9%). Tốc độ tăng của doanh nghiệp đóng cửa cao hơn so với tốc độ tăng thành lập doanh nghiệp mới.

Bên cạnh đó, quy mô vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp cũng giảm dần theo quý cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy đã có những cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Bộ KHĐT, tại một số địa phương, quá trình đào thải, sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra, số doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, nhất là các địa phương thuộc Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động của doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn gặp nhiều khó khăn: số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước (0,5%) trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại tăng cao (14,4%).

Bội chi gần 147.000 tỷ đồng

Tình hình khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Tổng thu NSNN lũy kế đến 15/10/2013 ước đạt 572.140 tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán năm (cùng kỳ năm 2012 đạt 70,7%). 

Trong khi đó, tổng chi NSNN lũy kế đến 15/10/2013 ước đạt 718.800 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán năm (cùng kỳ năm 2012 đạt 75,1%); trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 128.840 tỷ đồng, đạt 73,6%.

Như vậy, đến 15/10, thâm hụt ngân sách cả nước khoảng 146.700 tỷ đồng. Trong nhiều báo cáo trước đó, khả năng giữ bội chi ngân sách trong khoảng 4,8% GDP được cho là khó khả thi. Vừa rồi, kế hoạch nâng trần bội chi lên 5,3% GDP cũng đã được Chính phủ trình ra Quốc hội và được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng ý, chờ Quốc hội thông qua.

 Bích Diệp