"Lạm phát 2015 chỉ ở mức 3%"

(Dân trí) - Cùng với việc lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Lạm phát 2015 sẽ khoảng 3%
Việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với cả sản xuất và tiêu dùng
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Tại báo cáo Triển vọng vĩ mô 2015 do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa mới phát hành sáng nay (2/2), cơ quan nhận định, lạm phát cơ bản (dựa trên CPI so với cùng kỳ loại trừ giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) đã giảm xuống 2,6% sau 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2014) ổn định quanh mức 3%.
 
Kết quả này cùng với việc lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh, UBGSTCQG nhận định lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%. Trong các năm trước đó, lạm phát cơ bản bình quân các năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 8,78%; 4,76% và 3,63%.
 
Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, UBGSTCQG dự báo việc giảm giá dầu thô năm 2015 sẽ tác động làm CPI bình quân năm 2015 giảm khoảng 1,1 điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 (4,09%) và đạt khoảng 3%. Theo nhận định của WorldBank, giá dầu thô bình quân tháng trong năm 2014 là 96,2 USD/thùng và dự báo giá dầu bình quân năm 2015 là 53,2 USD/thùng.
 
Trong năm 2015, UBGSTCQG cho rằng, CPI tiếp đà suy giảm, dự báo CPI bình quân và CPI lõi ở mức 3% trong năm 2015, đây là cơ hội để Chính phủ và các cơ quan ban ngành xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế.
 
Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ, việc giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải (là chi phí đầu vào quan trọng); việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với cả sản xuất và tiêu dùng.
 
Theo UBGSTCQG, việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19, việc kiểm soát hàng lậu hàng kém chất lượng là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ tăng cường kỷ luật thị trường, kiểm soát biên mậu và kiếm soát thị trường; đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
 
Cũng theo Ủy ban, trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa.
 
Trong khi đó, đồng USD tăng giá, nhiều loại tiền khác đã giảm giá trị như đồng Nhân dân tệ (RMB), yen Nhật (YEN), euro (EUR); điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá năm 2015. Do vậy, cần xem xét cân nhắc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt nằm đảm bảo ổn định hơn cho nền kinh tế.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”