Làm gì với 3 tỷ đồng tiền nhàn rỗi?

Thảo Thu

(Dân trí) - Với 3 tỷ đồng, muốn đạt lợi nhuận ổn định, an toàn, nhà đầu tư nên chia trứng nhiều rổ và lưu ý đến những phương án quản trị rủi ro.

Lãi suất tiết kiệm giảm khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh để cất tiền. Với số tiền nhàn rỗi lên tới 3 tỷ đồng, không ít người cảm thấy thiệt thòi nếu bỏ tất cả để gửi tiết kiệm.

Theo chuyên gia, trước khi tính đến các phương án đầu tư phân bổ cho 3 tỷ đồng để đảm bảo việc đầu tư không bị gián đoạn bởi những sự kiện rủi ro đảm bảo hiệu quả đầu tư như mong đợi, cần có phương án quản trị rủi ro.

Phương án quản trị rủi ro

1. Lập quỹ dự phòng

Quỹ này nên trích lập với số tiền từ 3 đến 6 tháng chi tiêu. Càng có nhiều người phụ thuộc về tài chính như con cái, bố mẹ, anh chị em hoặc thu nhập của bản thân thiếu tính ổn định, số tiền trích lập càng nhiều. Việc có quỹ dự phòng giúp trong trường hợp khẩn cấp, bạn có ngay nguồn dự phòng để chi tiêu mà không phải bán tài sản.

2. Mua các sản phẩm hỗ trợ

Bảo hiểm là hình thức chuyển giao rủi ro thông qua một hợp đồng với các rủi ro như tử vong, tai nạn, thương tật, hay mắc bệnh hiểm nghèo… Việc chuẩn bị một hợp đồng bảo hiểm là cần thiết để bảo vệ tài chính, cuộc sống của bản thân và gia đình, là một tấm "lá chắn" bảo vệ ngôi nhà của bạn.

Làm gì với 3 tỷ đồng tiền nhàn rỗi? - 1

Cần đa dạng trong danh mục đầu tư với tối thiểu 2 lớp tài sản khác nhau (Ảnh: Mạnh Quân).

Đầu tư vào nhiều lớp tài sản

Giả định bạn đang có nguồn thu nhập/thặng dư ổn định, đã có phương án quản trị rủi ro phù hợp, và thời gian đầu tư cho 3 tỷ đồng từ 3-5 năm thì các lớp tài sản dưới đây bạn có thể cân nhắc để phân bổ:

1. Gửi tiết kiệm

Bạn vẫn nên dành một tỷ trọng cho kênh này để đảm bảo tính thanh khoản của danh mục, khoảng từ 5-10%. Lãi suất cho kỳ hạn 1-3 tháng hoặc 6-9 tháng là gần như tương đương nhau.

Vì thế, bạn nên chọn kỳ hạn 1 hoặc 6 tháng để tối ưu tính thanh khoản nếu lãi suất đang giảm. Đặc biệt, nên chọn kỳ hạn 12 tháng khi môi trường lãi suất huy động tăng cao

2. Đầu tư vàng

Vàng là lớp tài sản phòng thủ, chống lạm phát. Bạn nên dành khoảng 5% danh mục cho lớp tài sản này. Bạn có thể cân nhắc mua/bán tài sản này khi giá vàng tăng/giảm khoảng 15%.

Làm gì với 3 tỷ đồng tiền nhàn rỗi? - 2

Đầu tư vàng cần thiết trong môi trường lạm phát (Ảnh: Tiến Tuấn).

3. Bất động sản

Phân khúc này giữ giá trị tốt, miễn là bất động sản bạn mua đã được kiểm tra pháp lý và có mức nền giá hấp dẫn hơn các bất động sản khác trong vòng bán kính 10km trong cùng khu vực.

Với số vốn còn lại khoảng 2 tỷ đồng, bất động sản dân sinh vùng ven hoặc lân cận các thành phố lớn là một sự lựa chọn hấp dẫn, với hiệu suất trung bình khoảng 11-12%/năm.

Nếu dòng tiền thặng dư hàng tháng của bạn ổn định, bạn có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính (vốn vay) khi lãi suất cho vay hiện đang về vùng ổn định.

Lưu ý, chỉ nên vay khi lãi suất cho vay thấp hơn hiệu suất tăng trưởng của tài sản 3-4%.

4. Chứng khoán

Bạn cần có lớp tài sản này, nếu hiệu suất đầu tư mong muốn là 12-15%/năm. Tuy nhiên, đây là lớp tài sản để đầu tư thì cần có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, và thời gian cập nhật, nắm bắt thị trường.

Nếu như có hạn chế về các mặt này thì bạn nên chọn 1 trong 2 phương thức đầu tư: mua chứng chỉ quỹ mở tại các quỹ đầu tư lớn và có uy tín về chất lượng, năng lực quản lý quỹ hoặc đầu tư tích sản cổ phiếu bằng cách mua đều đặn 2-3 mã chứng khoán bạn đã chọn lọc trước.

Lưu ý, tỷ trọng cho chứng khoán không nên quá 30% tài sản của bạn.

Nguyễn Thị Thùy Chi

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm