Làm BĐS không khó, nhưng để thành công phải thật chuyên nghiệp

Năm 2017 đánh dấu mốc 25 năm phát triển của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) và là năm đầu tiên trong chiến lược phát triển 2017 - 2020 của công ty. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG đã có một số chia sẻ về chiến lược tập đoàn.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG

Phát triển con tàu Nam Long 25 năm qua, ông chia sẻ gì về những thành quả nổi bật đã gặt hái?

- Ông Nguyễn Xuân Quang: Từ 7 nhân viên, Nam Long đã xây dựng 15 công ty con, khép kín chuỗi đầu tư và gia tăng giá trị bất động sản với đội ngũ 500 nhân viên. Đến nay, phát triển 8 KĐT, tiêu thụ khoảng 15.000 sản phẩm, chúng tôi còn chuẩn hóa thành công 3 dòng sản phẩm chính gồm căn hộ EHome, condominium Flora và biệt thự Valora.

Quan trọng, Nam Long đã trở thành công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu. Sau IFC (Worldbank), Mekong Capital, ASPL, Nam Việt Ltd. (Goldman Sachs)... và nhận được hỗ trợ rất lớn từ các cổ đông chiến lược ngoại như Ibeworth (tập đoàn Keppel Land), PYN… Ở cấp độ dự án, Nam Long hợp tác với các công ty hàng đầu hơn 100 năm kinh nghiệm như Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản)…

Theo ông, đâu là sự khác biệt của Nam Long và các doanh nghiệp BĐS cùng bề dày hoạt động?

Trước đây, Nam Long đầu tư thành công nhiều KĐT cao cấp. Nhưng chúng tôi nhìn ra nhu cầu nhà ở quá lớn của nhóm thu nhập trung bình (65% dân số). Từ đó, phát triển phân khúc sản phẩm vừa túi tiền, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho xã hội.

Từ đây chuyển sang hình thức đầu tư mới : hợp tác với các đối tác ngoại mạnh về tài chính và kinh nghiệm. Nam Long góp vốn bằng quỹ đất, hoặc đầu tư tài chính; phát triển dự án chúng tôi để các đối tác thế mạnh đảm trách.

Vì sao Nam Long thường chọn phương thức hợp tác với đối tác ngoại như Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad... để triển khai dự án mà không tự thực hiện?

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng lớn, để coi phát triển bền vững là tôn chỉ hoạt động.

Lễ ký kết hợp tác KĐT Mizuki Park với 2 đối tác Nhật Bản Hankyu Realty & Nishi Nippon Railroad
Lễ ký kết hợp tác KĐT Mizuki Park với 2 đối tác Nhật Bản Hankyu Realty & Nishi Nippon Railroad

Quan trọng hơn là hòa nhập dòng chảy tài chính quốc tế. Đâu có dòng vốn rẻ, luân chuyển tốt, Nam Long tìm cách tiếp cận để mang lại lợi ích cho công ty và khách hàng. Chúng tôi chủ động nâng cao trình độ quản lý, minh bạch, cách thức làm ăn và tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng chuẩn mực cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ vai trò môi giới đã trở thành CĐT các dự án lớn thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A), vì sao một CĐT như Nam Long dường như vẫn “án binh bất động”?

Hầu hết các dự án được chào mời M&A chưa đáp ứng những tiêu chuẩn mà Nam Long đã xác lập như quy mô, tiện ích, môi trường, giá thành... Hơn nữa, với hàng chục dự án với tổng quỹ đất hơn 500 ha, nếu muốn đầu tư thêm thì cần phải dự báo tốt rủi ro.

Tuy vậy, nếu gặp quỹ đất tốt chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia. Tuần qua, Nam Long đã nhận chuyển nhượng thành công dự án Hoàng Nam quy mô 8,5 ha với hơn 5.500 căn hộ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường tìm kiếm quỹ đất lớn để phát triển các dự án KĐT, và mở rộng thị trường phía Bắc.

Ông có thể cho biết kế hoạch đầu tư khai thác quỹ đất hơn 500 ha của Nam Long?

Hiện nay chúng tôi đồng triển khai ba dự án lớn tại TPHCM gồm Fuji Residence, Kikyo Residence tại quận 9 và đặc biệt là Mizuki Park với quy mô KĐT 26 ha tại Nam Sài Gòn. Tất cả đều có hai đối tác Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad tham gia.

KĐT Mizuki Park là “bước ngoặt” đánh dấu 25 năm phát triển của NLG
KĐT Mizuki Park là “bước ngoặt” đánh dấu 25 năm phát triển của NLG

Ngoài ra, Nam Long còn đầu tư nhiều dự án mới tại TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An. Nổi bật có KĐT Waterpoint (Long An) quy mô hơn 350 ha (tương đương Phú Mỹ Hưng), chuẩn bị hơn 10 năm qua. Dịp kỷ niệm này được xem là điểm mốc để Nam Long cải tiến bộ máy quản lý, bổ sung nguồn nhân lực, ghi dấu ấn trong giai đoạn 2017-2020.

Có ý kiến: Làm nhà cho người ít tiền khó hơn làm nhà cao cấp. Là CĐT của hầu hết các phân khúc nhà ở từ thấp tới cao, Ông bình luận gì về điều này?

Làm nhà ít tiền hay nhà cao cấp đều cần chuyên nghiệp. Ở phân khúc cao cấp, dễ làm hài lòng khách hàng hơn do tỉ suất lợi nhuận cao. Với phân khúc nhà ở ít tiền đến “vừa túi tiền”, đầu tiên phải có “cái tâm” phục vụ cho số đông, đang có nhu cầu nhà ở cao.

Một dự án vừa túi tiền, ngoài quỹ đất thì chuỗi giá trị gia tăng từ phát triển sản phẩm, quy hoạch, thiết kế đến xây dựng, bán hàng và dịch vụ... đều phải chuyên nghiệp để tiết kiệm chi phí. Nam Long rất may mắn có nhiều kinh nghiệm làm bất động sản và bộ máy chuyên nghiệp giúp chúng tôi phát triển ổn định thời gian qua.

T. Giang